Đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý

09:47, 02/03/2011

Tình trạng thiếu kiến thức pháp lý không chỉ xảy ra đối với người dân nông thôn mà ngay cả người dân ở thành thị khi vướng vào tranh chấp dân sự cũng lúng túng không biết ứng phó ra sao. Tìm đến các văn phòng luật sư để được tư vấn, trợ giúp thì không phải người dân nào cũng đủ điều kiện kinh tế. Với mục tiêu đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đến với tất cả người dân, Sở Tư pháp đã, đang tập trung thực hiện nhiều hình thức để vừa hỗ trợ kiến thức pháp lý cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vừa trợ giúp pháp lý cho cả người dân có thu nhập thấp ở thành, thị…

 

Xuất phát từ nhận thức này, trong những năm gần đây, ngành Tư pháp của tỉnh đã tăng cường các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí đảm bảo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức tốt hoạt động trợ giúp pháp lưu động trên địa bàn. Đồng thời vận động cán bộ có kiến thức luật của các ngành cấp tỉnh, 9 huyện, thành, thị tham gia công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý thường xuyên; trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã để thực hiện nhiệm vụ tư vấn pháp luật ngay tại cơ sở… Với các giải pháp nêu trên, ngành Tư pháp đã thành lập được 115 câu lạc bộ hỗ trợ pháp lý trên địa bàn 9 huyện, thành, thị của tỉnh, vận động được 68 cộng tác pháp lý đang công tác tại các ngành của tỉnh tham gia trợ giúp pháp lý. Do vậy, chỉ tính riêng năm 2010, các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp và 115 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng nghìn lượt người.

 

Ngoài hình thức trợ giúp pháp lý trực tiếp của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở, từ năm 2009 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hình thức: Phỏng vấn chuyên gia phân tích, nói chuyện về các luật chuyên ngành; đăng tải bài viết dạng hỏi đáp pháp luật về một số lĩnh vực tác động trực tiếp, thường xuyên đến đời sống xã hội (đất đai, hộ khẩu; đấu giá…); in cấp tờ rơi về nhiều lĩnh vực pháp lý… Qua các hình thức bổ trợ này, không chỉ người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa mà tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đều có cơ hội được tư vấn pháp lý miến phí. Đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết:"Nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân là nhiệm vụ vô cùng cần thiết vì người dân hiểu luật sẽ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình và tuân thủ nghiêm túc quy định của Nhà nước. Đồng thời khi người dân hiểu luật sẽ có điều kiện giám sát lại hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần thực hiện tốt công tác dân chủ. Do vậy, chúng tôi phải liên tục có sự đổi mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý để đạt hiệu quả cao nhất, có lợi ích thiết thực nhất với nhân dân".

 

Trước nhu cầu ngày càng lớn về kiến thức pháp luật của nhân dân, trong năm 2011, ngành Tư pháp đang tập trung củng cố, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp lý tỉnh và tiến hành xây dựng các Chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại các huyện: Võ Nhai, Phổ Yên (hiện mới có Chi nhánh tại huyện Định Hóa), tiến tới phủ kín mạng lưới trợ giúp lý tại các huyện, thị còn lại; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động truyền thông đại chúng...