Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc kết nối internet toàn cầu, các loại hình tội phạm quốc tế với nhiều hình thức tinh vi rất dễ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một hình thức lừa đảo mới mà bọn chúng đã thực hiện tại Việt Nam
Đúng vào ngày Quốc tế phụ nữ 20-10-2011, tôi nhận được một email từ một cô gái không quen (có địa chỉ Anita84love7@yahoo.com) nói rằng muốn làm quen với tôi. Anita muốn tôi gửi thư cho cô ấy để cô ấy có thể gửi hình ảnh của mình cho tôi và để chúng tôi có thể trò chuyện thân thiết hơn. Không nghi ngờ lời đề nghị này nên tôi có gửi lại cho Anita một lá thư, ngay lập tức Anita gửi cho tôi hình ảnh của cô ấy (đó là ảnh một cô gái châu Phi khá xinh), và kèm theo đó là một bức thư kể về mình, Anita nói: cô ấy tên là Miss Anita Wade, sinh ra ở Bờ biển ngà, cô ấy đang sống tị nạn chính trị ở N’dioum Senegl do cuộc nội chiến tại đất nước cô ấy. Cha cô ấy là Giám đốc của một Công ty lớn lớn thủ đô Abidjan, nhưng khi nội chiến xảy ra cả nhà cô ấy đều bị giết chỉ mỗi cô ấy còn sống sót, vì vậy cô ấy xin sống tị nạn chính trị ở nước láng giềng Senegl, trong trại ti nạn này cô ấy được các mục sư quản lý. Sau một vài lá thư trò chuyện, Anita thổ lộ rằng cô ấy rất vui khi có tôi là bạn và cô ấy có một bí mật muốn cho tôi biết, đó là khi còn sống bố cô ấy có gửi một khoản tiền 5,7 triệu đô tại một ngân hàng ở nước Anh dưới cái tên của cô ấy, nhưng hiện nay do đang là người tị nạn nên cô ấy không có quyền rút số tiền đó ra. Vì vậy, Anita nhờ tôi đứng ra là người thân của cô ấy để đứng ra rút số tiền này. Sau khi rút được tiền ra khỏi ngân hàng thì tôi sẽ dùng số tiền đó để bảo lãnh cho cô ấy ra khỏi trại tị nạn. Anita nói, cô ấy đã liên lạc với Ngân hàng mà bố cô gửi tiền để hỏi thủ tục rút tiền, vì vậy cô ấy đề nghị tôi gửi tên, địa chỉ, tuổi, điện thoại của mình cho cô ấy. Liên tục lá thư sau, Anita hướng dẫn tôi cách làm việc với ngân hàng và gửi cho tôi địa chỉ ngân hàng với đầy đủ các nội dung để giao dịch như: Ngân hàng Barclays PLC LONDON. Số tài khoản: 552434287456, gặp Ông Robert Roughan, Điện thoại: 0044-703-182-1032, Địa chỉ Email (onlinebarclaysbankplc@inMail24.com)OR (robertroughan@inMail24.com). Cuối thư Anita còn hứa sẽ trích cho tôi 20% số tiền mà cô ấy được thừa kế khi xong việc.
Với nhạy cảm nghề nhiệp tôi đã có chút nghi ngờ nên không gọi điện mà quyết định tìm hiểu về vấn đề này. Tôi vào mạng tìm các thông tin về trại tị nạn mà Anita nói. Và kết quả là tôi đã khám phá ra đây là một trò lừa đảo. Trong một số trang Web nước ngoài có đăng rất rõ về hình thức lừa đảo này: Đó là khi người nhận thư đồng ý là người bảo lãnh thì họ sẽ nhận được bảng hướng dẫn các liên lạc với ngân hàng để làm thủ tục rút tiền. Tuy nhiên, khi đó ngân hàng sẽ yêu cầu bạn nộp một khoản phí để rút số tiền hàng trệu USD kia, nhưng khi bạn nộp khoản phí này thì sẽ có một khoản phí khác nữa phải nộp… cứ như vậy đến khi bạn hết tiền hoặc từ bỏ. Điều này được gọi là “phí gian lận” đã trở thành một ngành công nghiệp ở Nigeria và các nước xung quanh. Một tên gói chung khác là “419 gian lận” sau khi mục 419 của Luật hình sự nigeria quy định cấm loại tội phạm này. Do vậy, các chuyên gia trên các trang Web (http://419.bitenus.com ) cũng đã cảnh báo người dân, khi nhận được những lá thư như vậy bạn nên bỏ qua nó bởi nếu bạn làm thì tên, địa chỉ, email của bạn sẽ được những tên lừa đảo sử dụng để lừa đảo người khác. Trong trang Web này cũng đăng tải những cái tên mà bọn tội phạm đã sử dụng để lừa nhiều người như: Anita, Anna Amudu, Nacy Dabor…
Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Thực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Loại phạm này đã có mặt tại Việt Nam, cụ thể, là tại T.P Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… đã có người dân bị bọn chúng lừa đảo mất tài sản theo hình thức này. Do đó, ngày 8/12/2009, Bộ Công an đã có công văn số 1288 gửi công an các tỉnh, thành phố về hoạt động lừa đảo qua mạng của bọn tội phạm quốc tế, đồng thời yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch để đấu tranh, ngăn ngừa. Tại Thái Nguyên, ngay khi nhận được chỉ đạo của Bộ, ngày 16/12/2009, Công an tỉnh đã có văn bản số 9650 chỉ đạo các cơ quan chức năng, phòng, ban liên quan triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hình thức lừa đảo này. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có trường hợp người nào bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức trên”. Cũng về vấn đề này, đồng chí Trần Mạnh Hùng, cán bộ phòng PB11, Công an tỉnh, cho biết: Ngoài hình thức trên, hiện nay cũng còn có một số hình thức lừa đảo mới mà bọn tội phạm quốc tế sử dụng như: gửi thông báo trúng sổ số quốc tế (theo đó, cá nhân sẽ nhận được thông báo có mã số thư điện tử trùng với số trúng thưởng, số tiền trúng thưởng thường từ 500 đến 1 triệu đô la và yêu cầu cá nhân đó làm thủ tục để nhận giải thưởng, khoản lệ phí để nhận giải thưởng được hướng dẫn gửi vào một ngân hàng ở nước ngoài); hoặc rửa tiền theo hình thức gửi thư điện tử đến các tổ chức, cá nhân đề nghị đứng ra nhận một số tiền, thường từ 20-50.000 USD ở các ngân hàng, bưu điện khác nhau (có cam kết thỏa thuận và trích lại %), hoặc chuyển tiền theo hình thức hợp tác đầu tư… Tóm lại các hình thức lừa đảo quốc tế thường có chung một đặc điểm là hướng dẫn rất cụ thể và bằng nhiều cách, nhiều lý do để xin tên, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội của chúng”.
Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc kết nối internet toàn cầu, các loại hình tội phạm quốc tế với nhiều hình thức tinh vi rất dễ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, mọi người dân cần cần nâng cao ý thức cảnh giác, khi có giao dịch liên quan đến yếu tố nước ngoài cần thận trọng xem xét kỹ lưỡng. Nếu phát hiện có các dấu hiệu khả nghi cần báo cho cơ quan công an để kịp thời tìm biện pháp giải quyết, không để mình trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo này./.