Phân tích những vụ án tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây cho thấy, ngành ngân hàng chưa tạo dựng được hệ thống thanh - kiểm tra, kiểm soát đủ mạnh để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tội phạm...
Tội phạm tràn lan
Kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo (BCĐ) TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) qua một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tín dụng, ngân hàng từ năm 2007 đến 2011 cho thấy, loại tội phạm này đang có nhiều diễn biến phức tạp; tài sản thiệt hại ngày càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Thông qua các vụ án điển hình, BCĐTƯ về PCTN đã chỉ ra một số thủ đoạn đặc trưng, những hành vi tham nhũng điển hình của cả nhóm cán bộ ngân hàng và nhóm đối tượng ngoài ngân hàng. Đối với nhóm thứ nhất có hai dạng hành vi phạm tội, đó là chủ động phạm tội và bị mua chuộc, bị lôi kéo dẫn đến thực hiện tội phạm. Còn đối với nhóm ngoài ngân hàng, thủ đoạn chủ yếu là lừa đảo với lượng tiền lớn. Nhưng để thực hiện hành vi phạm tội thì đều có sự thông đồng, câu kết, tiếp tay của cán bộ ngân hàng như tạo dựng các hồ sơ giả, giấy tờ giả, giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo... đặc biệt là hành vi làm giả giấy rút tiền, mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm để rút một phần tiền từ ngân hàng.
Những vụ án nổi cộm, mới xảy ra gần đây chủ yếu là do cán bộ ngân hàng đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân "sân sau" thực hiện các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức ngân hàng và nhà nước. Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT gây tổn thất lên đến 4.700 tỷ đồng. Tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển (Chi nhánh Đắk Lắk) sai phạm 1.000 tỷ đồng; Công ty Công chính tại Lâm Đồng lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều ngân hàng 500 tỷ đồng... Điều đáng quan ngại là trong tổng cộng 22 vụ án lớn trong hoạt động tín dụng, ngân hàng có giá trị sai phạm hàng chục nghìn tỷ đồng, trên 3.000 lượng vàng, nhưng việc phát hiện lại chủ yếu qua đơn thư tố cáo.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trước diễn biến bất thường này, ngành đã yêu cầu các địa phương báo cáo án thì thấy có tới 48/63 tỉnh, thành xảy ra các vụ án liên quan đến tín dụng, bao gồm cả tín dụng đen và hoạt động ngân hàng.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Trong khi hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng còn yếu kém thì pháp luật lại chưa có những quy định bảo đảm quyền lợi người gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ, tính thanh khoản kém, nguy cơ đổ vỡ cao.
Theo quy định hiện hành, tiền gửi của người dân vào các tổ chức tín dụng chỉ được bảo hiểm mức cao nhất là 50 triệu đồng. Ông Phạm Huy Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, mức nêu trên chưa phù hợp với xu thế hội nhập. Theo ông Hùng, ở Đức, mức phí đóng bảo hiểm chỉ 0,005%, nhưng chi trả tối thiểu cũng là 200.000 euro và phạm vi bảo hiểm rất rộng. Còn ở Việt Nam, mức tiền bảo hiểm chỉ bảo đảm cho người gửi tiền mua gạo, rau cứu đói khi mất tiền gửi chứ không đúng nghĩa là bảo hiểm.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang tiềm ẩn rủi ro cao. Nhiều đơn vị quản trị rất kém, không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, huy động 10 đồng, "xài" đến 9,5 đồng hoặc huy động ngắn hạn, vượt trần lãi suất, cho vay trung hạn. Đã có thời điểm, hai ba chục tổ chức tín dụng xếp hàng chờ "bầu sữa mẹ" là Ngân hàng Nhà nước cứu trợ. Nếu Ngân hàng Nhà nước không ra tay giúp đỡ sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, phá sản.
Thế nhưng Việt Nam lại chưa có luật về phá sản của ngân hàng. Thực trạng này khách hàng gửi tiền không hình dung hết được. Đang có hiện tượng những ngân hàng lớn hằng năm đều được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công bố thông tin hoạt động công khai nhưng các ngân hàng nhỏ thì lượng được kiểm tra, kiểm soát chưa rõ ràng. Do đó, không ít người dân nghĩ đơn giản rằng, vì Quốc hội ban hành quy định về bảo hiểm tiền gửi, nên cứ gửi tiết kiệm là đã có nhà nước đứng đằng sau làm phao bảo hộ. Và họ cứ thế mang tiền đến bất kể ngân hàng nào mà không cần tìm hiểu kỹ "lai lịch" của ngân hàng đó. Khi được bảo hiểm không thỏa đáng, mới vỡ mộng và rất dễ có phản ứng tiêu cực.
Để hạn chế tham nhũng trong ngân hàng và giải quyết tình trạng "cào bằng" này, theo luật sư Nguyễn Hải Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước cần tính phí bảo hiểm tiền theo hoạt động và mức độ rủi ro của từng tổ chức tín dụng. Lúc ấy người gửi tiền sẽ lựa chọn một tổ chức tín dụng có xác nhận mức độ rủi ro của bảo hiểm tiền gửi hoặc có hệ số được bảo hiểm tiền gửi đánh giá cao theo tiêu thức nhất định mà họ cảm thấy yên tâm nhất. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải cạnh tranh nhau để làm sao thu hút được nhiều tiền gửi nhất thông qua sự lành mạnh tài chính. Mặt khác, các ngân hàng phải chú trọng thực hiện đúng quy trình và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tuyển dụng, đề bạt, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, không để số cán bộ có biểu hiện yếu kém về phẩm chất và đạo đức làm tại các vị trí nhạy cảm trong ngân hàng. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt tình trạng bố mẹ, vợ chồng, con của người đứng đầu ngân hàng giữ chức vụ, cương vị chủ chốt ở cùng tổ chức, đơn vị ngân hàng... đang được một số đơn vị áp dụng hiện nay.