Cảnh giác tháng “củ mật”

16:16, 07/12/2011

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Dân gian vẫn gọi thời gian này là tháng "củ mật", với tình hình ANTT có nhiều biến động phức tạp, dự báo có thể gia tăng tội phạm trộm cắp.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ CA, 11 tháng của năm 2011, cả nước đã xảy ra 42 nghìn vụ phạm pháp hình sự; trong đó, tội trộm cắp chiếm đến 51%. Tại Hà Nội, theo CATP, số vụ trộm cắp cũng chiếm non nửa số vụ phạm pháp hình sự và bình quân hằng tháng có hơn 200 vụ được phát hiện hoặc được trình báo. Trong đó, xe máy là tài sản dễ bị nhòm ngó nhất. Trong 3 tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ tháng 8 đến hết tháng 10-2011), ở TP Hà Nội xảy ra gần 300 vụ trộm cắp xe máy. Ngoài ra, có nhiều vụ đối tượng trộm cắp ngang nhiên đột nhập vào các cơ quan, doanh nghiệp (DN), đơn vị và các hộ dân để lấy tài sản. Bọn trộm cắp cũng ngày càng manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả, tấn công lại người bị hại, lực lượng truy đuổi khi bị phát hiện. Điển hình như các vụ trộm hành hung hành khách trên xe buýt thời gian qua, hay vụ trộm xe máy dùng súng chống trả khiến một quần chúng truy đuổi tử vong vào tối 2-10 tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông)... Với những diễn biến ngày càng phức tạp, có thể thấy tội phạm trộm cắp đang gây thiệt hại, nguy hiểm và bức xúc cho toàn xã hội.

Trong những ngày gần Tết, theo quy luật, tội phạm trộm cắp càng có cơ hội phát triển. Nguyên nhân là do những ngày này lượng hàng hóa phục vụ Tết về nhiều, người mua kẻ bán tấp nập. Tại các khu vực công cộng, do đông người nên tình hình trật tự phức tạp, dễ tạo sơ hở để kẻ gian lợi dụng. Tại khu vực nhà dân cũng như các cơ quan, DN, những ngày này công tác phòng bị cũng có lúc lơ là. Một lý do khác nữa khiến tội phạm trộm cắp gia tăng thuộc về tâm lý tội phạm, là thời điểm này bọn trộm cắp thường tranh thủ gây án để kiếm tiền ăn tiêu dịp Tết. Thực tế, trên địa bàn Hà Nội ít ngày qua đã có dấu hiệu tội phạm trộm cắp ráo riết hoạt động. Như vụ việc được CA phường Hàng Đào thụ lý, trong một buổi chiều, lợi dụng khách về mua hàng tại khu vực chợ Đồng Xuân và các phố lân cận đông đúc, bọn tội phạm đã liên tục gây ra hai vụ trộm tại các quầy, cửa hàng. Tại các khu vực công cộng như chợ, trung tâm thương mại, bến xe, bãi gửi xe, trộm cắp cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng hoạt động với nhiều vụ trộm cắp xe máy, trộm cắp phụ tùng ô tô, móc túi...

Để làm giảm tội phạm trộm cắp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, CATP Hà Nội đang tiếp tục triển khai Kế hoạch số 142 về việc tổ chức các tổ công tác phòng, chống tội phạm trộm cắp, vi phạm pháp luật tại các địa bàn công cộng, các tuyến xe buýt, xe khách. Theo đánh giá ban đầu của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP thì qua hơn một tháng ra quân, bước đầu hoạt động của các tổ công tác này đã có hiệu quả, với hàng chục vụ việc được phát hiện, xử lý. Trong cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán, hoạt động nghiệp vụ theo chuyên đề này sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, với kết quả khám phá các vụ trộm đạt rất thấp (dưới 60%), các biện pháp trên của lực lượng chức năng chưa đủ mạnh để hạn chế loại tội phạm này. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các hộ dân, cơ quan, đơn vị, DN cần nâng cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng ngừa để bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình. Về phía người dân, cơ quan CA khuyến cáo phải đề phòng tội phạm đột nhập vào nhà qua tầng tum, dùng vật dài câu móc tài sản qua cửa sổ, ban công. Khi đến các khu vực công cộng, đi mua hàng... phải luôn chú ý bảo quản tư trang. Ngoài ra, với phương tiện đi lại, nhất là xe máy, cần cất, gửi cẩn thận. Đối với các cơ quan, DN, đơn vị, những ngày này công tác bảo vệ, phòng gian cần được tăng cường với những phương án bố trí lực lượng, phương tiện cụ thể...

Tài sản bị mất trộm nhiều khi giá trị không lớn nhưng nếu trở thành nạn nhân sẽ mất đi cái Tết bình yên, vui tươi trọn vẹn. Vì vậy, bên cạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ của CA, tuần tra kiểm soát của dân phòng, mỗi người dân cần cẩn trọng hơn khi vào tháng "củ mật".