Nhạc sĩ Hà Dũng bị buộc phải trả 1,3 triệu USD

08:17, 14/12/2011

Muốn khẳng định hợp đồng thế chấp căn nhà để bảo lãnh vay 1,3 triệu USD cho nhạc sĩ Hà Dũng (ông Hà Hùng Dũng) bị vô hiệu là do lỗi của chủ sở hữu, Ngân hàng ACB yêu cầu Tòa phúc thẩm quy lỗi cho người này.

Ngày 13/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, có trụ sở tại quận 3). HĐXX tuyên bố hợp đồng thế chấp giấy tờ căn nhà của bà Phùng Trịnh Thị Vinh (Công ty hàng không Đông Dương - Indochina Airline của ông Hà Dũng dùng để thế chấp cho khoản nợ 1,3 triệu USD) bị vô hiệu là hoàn toàn do lỗi bà Vinh, bởi bà này không thực hiện cam kết công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.

 

Theo đó, quyết định này không làm thay đổi việc nhạc sĩ Hà Dũng phải có nghĩa vụ trả khoản nợ trên cho Ngân hàng ACB.

  

Theo bản án sơ thẩm, tháng 10/2008, ACB ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty Đông Dương bằng hình thức bảo lãnh. Đến ngày 12/1/2010, Ngân hàng ACB thay công ty này thanh toán cho Ngân hàng Komercni Banka số tiền gần 1,2 triệu USD.

 

Khoản vay trên được công ty Đông Dương đảm bảo bằng hợp đồng thế chấp giấy tờ căn nhà trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) do bà Vinh đứng tên (nhưng không được công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm) và chứng thư bảo lãnh của nhạc sĩ Hà Dũng cam kết trả nợ thay cho công ty.

 

Ngày 4/9/2010, do Công ty Đông Dương không thanh toán tiền nên ACB đã gửi đơn kiện, yêu cầu TAND TP HCM buộc công ty này phải trả toàn bộ cả vốn lẫn lãi là hơn 1,3 triệu USD. Nguyên đơn cũng đề nghị cơ quan xét xử buộc ông Hà Dũng phải chịu trách nhiệm về số nợ trên nếu Công ty Đông Dương không có khả năng thanh toán.

 

Ngày 26/7, TAND TP HCM đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Đông Dương phải trả số tiền hơn 1,3 triệu USD cho Ngân hàng ACB. Nếu Công ty Đông Dương không còn khả năng thanh toán thì ông Hà Dũng phải có nghĩa vụ trả thay.

 

Về tài sản thế chấp tòa sơ thẩm cho rằng, hợp đồng thế chấp căn nhà của bà Vinh và ACB là vô hiệu do lỗi của cả hai bên. Vì vậy, tòa buộc phía ngân hàng phải trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Vinh.

 

Ngay sau đó, phía ngân hàng ACB đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử lại theo hướng quy trách nhiệm cho chủ căn nhà về việc hợp đồng thế chấp tài sản bị vô hiệu.