Hàng loạt vụ giết người man rợ diễn ra trong thời gian qua mà hung thủ còn quá trẻ khiến dư luận xã hội phẫn nộ và lo lắng. Những hồi chuông cảnh báo không phải bây giờ mới được gióng lên.
Mới đây nhất, vụ án 1 học sinh lớp 8 giết học sinh lớp 6 rồi giấu xác, phi tác để cướp chiếc xe đạp tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) khiến dư luận bàng hoàng.
Vụ án này xảy ra khi dư luận về hàng loạt những vụ án giết người man rợ mà kẻ phạm tội còn rất trẻ vừa qua đang dấy lên lo ngại về tình trạng tội phạm đang trẻ hóa.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), nghiên cứu về tội phạm giết người trong giai đoạn từ tháng 1-2007 đến 9-2010, với trên 4.000 phạm nhân đang thụ án tại bốn trại giam thuộc Bộ Công an quản lý cho thấy độ tuổi phạm tội của tội phạm đang trẻ hóa và mức độ ngày càng hung hãn (nguồn báo Tuổi Trẻ).
Các chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu đã chia sẻ một số nhìn nhận, lý giải về vấn đề này.
TH.S Nguyễn Văn Lượt – Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học– Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: 'Gia đình “vô tình” đẩy trẻ đến hành vi phạm tội"
Theo tôi, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Sự ảnh hưởng của gia đình đến trẻ thông qua cách thức giao tiếp, giáo dục của cha mẹ và tự bản thân cha mẹ như là tấm gương cho con em học tập, noi theo.
Do bận công việc, nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là ở nông thôn không tạo được cách thức giao tiếp/giáo dục con một cách phù hợp. Vì vậy, trẻ cảm thấy gia đình không phải là “mái ấm” của mình, trẻ gia nhập các nhóm bạn xấu, tham gia các tệ nạn xã hội (chơi game, nghiện hút…).
Tôi tin, gia đình của Dương Phương Thuấn chẳng bao giờ dạy em phạm tội nhưng chính cách giáo dục, quản lý con cái của gia đình đã “vô tình” đẩy em đến hành vi phạm tội.
Ngoài gia đình, nhà trường, còn có những nguyên nhân tác động đến xu thế tội phạm trẻ hóa.
Thứ nhất, lý do liên quan đến tâm lý lứa tuổi: Sự khao khát khẳng định cái “Tôi”. Về góc độ tâm lý lứa tuổi, ở giai đoạn 11, 12 tuổi, đặc biệt là 15-16 tuổi sự khao khát khẳng định cái TÔI của trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trẻ mong muốn được thể hiện những suy nghĩ, quan điểm, niềm tin và hành xử theo cách riêng của mình, không phụ thuộc vào người lớn.
Nếu quan hệ cha mẹ và con cái theo kiểu bàng quan- xa cách hoặc nghiêm khắc-cứng nhắc làm cho đứa trẻ không có điều kiện bộc lộ cái Tôi của mình, trẻ cảm thấy cô độc ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Ở trường học, vì một vài lý do nào đó, trẻ không đạt được những kết quả tốt trong học tập. Cũng với đó là sự trách mắng của cha mẹ, thầy, cô. Như vậy, ở gia đình, nhà trường trẻ không có điều kiện khẳng định cái tôi của mình.
Để thoả mãn nhu cầu này, trẻ sẽ gia nhập vào các nhóm bạn xấu (trong và ngoài nhà trường). Trẻ tiếp thu các chuẩn mực, giá trị của nhóm mà những chuẩn mực này thường là đi ngược lại nội quy, quy tắc, chuẩn mực của nhà trường, Giáo dục nhà trường không có sức hấp dẫn đối với họ, các trò chơi games online, đua xe, nghiện hút, đi bụi, dùng các loại thuốc kích thích...mới là những thứ để họ khẳng định bản thân mình.
Vậy là thay vì khẳng định bản thân mình bằng kết quả học tập ở trường họ lại lấy những “chiến tích” như “bắt nạt bạn cùng trường”, trấn lột”, “đánh bạn”... để “ra oai” với bạn bè cùng trang lứa, được các bạn trong nhóm gọi là “đại ca”...
Thứ hai, ảnh hưởng của truyền thông đặc biệt là phim ảnh bạo lực, game online. Vụ án này làm chúng ta nhớ đến vụ án năm 2008, 2 em học sinh cũng học lớp 8 ở Trường THCS TT Thường Tín vì muốn có tiền chơi game đã giết hại một em bé 5 tuổi.
Trẻ em học thông qua bắt chước hành vi của người khác, qua phim ảnh mà chúng xem. Phương thức và thủ đoạn giết người của Dương Phương Thuấn có mang dáng dấp gì thao tác của các nhân vật trong games online?
Giáo dục Gia đình, ảnh hưởng của truyền thông (phim ảnh bạo lực, game…) là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến nhân cách của trẻ nói chung, hành vi, thái độ ứng xử của trẻ nói riêng.
Nếu bản thân các ông bố, bà mẹ không quan tâm giáo dục con em mình, tự thân phải làm gương trong gia đình thì sẽ còn nhiều những trường hợp như Dương Phương Thuấn trong tương lai.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý: 'Trẻ em ở tuổi vị thành niên cần sự hỗ trợ tâm lý kịp thời!'
Về phía gia đình, việc bố mẹ thiếu giáo dục con, đã buông lỏng khiến đứa trẻ có những biểu hiện bất bình thường, nhiều khi là rối loạn hành vi. Bố mẹ không hiểu con, mải kiếm sống nên không thể uốn nắn con, dẫn đến con mình hư hỏng.
Cảnh báo về điều này đã từ lâu nhưng nhiều gia đình vẫn phó mặc, mà trường hợp học sinh lớp 8 giết bạn này là một ví dụ.
Khi xảy ra sự việc thì bố mẹ tự oán trách hay hối hận đều đã quá muộn.
Về phía nhà trường, sự quan tâm, giáo dục về đạo đức vẫn còn những vấn đề. Hiện nay trường học mới chỉ chú trọng dạy về lý thuyết, nặng về dạy kiến thức khoa học. Những bài giảng về đạo đức vì thế mà không có tính thực tiễn, không có tác dụng.
Các kỹ năng sống bắt đầu được quan tâm đưa vào giảng dạy nhưng mới chỉ bước đầu… Chính điều này dẫn đến học sinh không được giáo dục tốt về đạo đức, lối sống.
Ở tuổi vị thành niên, trẻ có thể gặp những vấn đề về tâm lý, nhưng không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như trong trường hợp này, một học sinh lớp 8 đã có những biểu hiện ngỗ ngược, cá biệt khiến bạn bè khiếp sợ… rất có thể đứa trẻ này bị rối loạn hành vi.
Nếu nhà trường và gia đình quan tâm, em học sinh này có thể được điều trị tâm lý hoặc giúp đỡ khắc phục thì hậu quả đã không đến nỗi như thế. Ở đây để nói đến một sự thiếu hụt quan trọng trong trường học, đó là thiếu tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Ở nước ngoài, trong các trường học đều có nhà tư vẫn tâm lý, nhưng ở Việt Nam hầu như không có.
Tình trạng trẻ hóa tội phạm có xu thế tăng, nhưng hiện Việt Nam chưa có một tòa án dành riêng cho trẻ vị thành niên. Những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Lê Văn Luyện, không bị xử một cách đích đáng có thể dẫn đến tâm lý không tốt ảnh hưởng đến lớp trẻ như chúng không thấy sợ, không ý thức được hậu quả nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn tung hê hoặc làm theo.
Về điều này cũng cần lưu ý, truyền thông khi đưa tin về những vụ việc bên cạnh tác dụng răn đe, cảnh báo thì cũng có mặt hại đó là thông tin tràn lan, gây phản cảm, tác động xấu trong xã hội… Cần có sự can thiệp nhất định để hạn chế điều này.