Đình chỉ chức vụ Trưởng khoa của một bác sĩ

17:20, 23/03/2012

Ngày 16/2, Sở Y tế đã ra Quyết định số 129/QĐ-SYT về việc tạm đình chỉ chức vụ Trưởng khoa đối với bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hồng Vân (khoa Sản, Bệnh viện Đại Từ), do không tiên lượng được diễn biến quá trình sổ thai của sản phụ, dẫn đến việc trẻ sơ sinh bị ngạt và tử vong.

Sự việc diễn ra như sau: Hồi 20 giờ 15 phút, ngày 10/2, Bệnh viện huyện Đại Từ tiếp nhận sản phụ Dương Kim Dung, 38 tuổi, trú tại xóm Phú Thịnh, xã Hùng Sơn (Đại Từ) vào khoa Sản với chuẩn đoán thai 9 tháng chuyển dạ đẻ, các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng của sản phụ bình thường, tim thai tốt, tuy nhiên thai phụ có tiền sử đẻ khó.

 

Tua trực tại khoa Sản hôm đó có bác sĩ Phạm Hồng Vân (Trưởng khoa) và nữ hộ sinh Hà Thị Mùi. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, tua trực đã làm hồ sơ bệnh án và các xét nghiệm cơ bản, theo dõi chuyển dạ ở khoa. Hồi 22 giờ 30 cùng ngày, sản phụ có cơn co tử cung thưa nhẹ, cổ tử cung mở 5 cm, chỉ định bấm ối và làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm. Sau 30 phút theo dõi, sản phụ được xử trí truyền 500 ml dung dịch Dextrose 5% và 01 ống Oxytoxin. Đến hồi 0 giờ ngày 11/2, cổ tử cung của sản phụ mở hết, ngôi lọt thấp, nhân viên y tế hướng dẫn sản phụ rặn đẻ, chỉ định đỡ đẻ đường dưới. Hồi 1 giờ 20 cơ co của sản phụ ở mức trung bình, cơn rặn thưa, thai thập thò không sổ được, bác sĩ trực chỉ định cắt tầng sinh môn, đặt fooxep hỗ trợ lấy thai và đã lấy ra 1 thai nam, nặng 3.000 gr; thai có 1 vòng rau quấn cổ, ngạt nặng, tua trực đã tiến hành cấp cứu tích cực theo phác đồ, mời bác sĩ chuyên khoa nhi cùng cấp cứu, đặt nội khí quản, bóp bóng Ambu có oxy, tình trạng ngạt tiến triển chậm, tiên lượng rất nặng. Đến hồi 2 giờ 00 ngày 11/2, trưởng tua trực đã mời lãnh đạo Bệnh viện hội chẩn và thống nhất chuyển trẻ sơ sinh xuống Bệnh viện đa khoa Trung ương cấp cứu.

 

Tại Bệnh viện đa khoa Trung ương, mặc dù đã được cấp cứu tích cực nhưng đến 1 giờ 00 ngày 13/2, trẻ đã tử vong do ngừng tim, ngừng thở do ngạt nặng sau đẻ, rối loạn đông máu, cầm máu nặng.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về sự việc trên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Bệnh viện huyện Đại Từ cho biết: Do kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế nên bác sĩ của ca trực đã không tiên lượng được những diễn biến bất thường trong quá trình sản phụ sổ thai. Bên cạnh đó sản phụ Dung là người có tiền sử đẻ khó cách đây 13 năm nên cuộc đẻ càng có nhiều diễn biến bất thường hơn. Đối với những trường hợp như thế này, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình chuyển dạ, cần phải mời các chuyên khoa liên quan hội chẩn để tiên lượng và đưa ra phương pháp xử trí an toàn cho cuộc đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ trực đã không mời hội chẩn ngay từ đầu, quyết định cho sản phụ đẻ đường dưới không thuận lợi, quá trình sổ thai bị chậm, sau khi sử dụng Foocxep để hỗ trợ lấy thai ra thì phát hiện trẻ đã bị ngạt nặng, lúc này tua trực mới mời các chuyên khoa liên quan đến cùng cấp cứu, hội chẩn và chuyển lên tuyến trên.

 

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện huyện Đại Từ đã họp Hội đồng khoa học để xem xét về mặt chuyên môn và báo cáo cụ thể với Sở Y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Tài cho biết thêm, hiện tại Bệnh viện đã phân công bác sĩ Nguyễn Văn Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện tạm thời phụ trách và điều hành hoạt động của khoa Sản từ ngày 20/2; tạm thời không phân công trực chuyên môn và điều chuyển bác sĩ Phạm Hồng Vân ra công tác ở phòng khám của Bệnh viện; chỉ đạo khoa Sản và toàn thể cán bộ, nhân viên nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt các quy chế chuyên môn, thực hiện đúng quy trình công tác để không xảy ra các trường hợp tương tự.