Vụ Shiseido: "Trồng cây ngọt, hái quả đắng"

09:32, 26/03/2012

13 nhà đầu tư góp công sức, tiền bạc đáng kể tạo dựng thương hiệu mỹ phẩm Shiseido nổi tiếng tại Việt Nam đang bức xúc trước việc bị hất cẳng ra khỏi "cuộc chơi" bán lẻ và có nguy cơ mất trắng những khoản đầu tư.

Ngoài ra hơn 200 lao động cũng rơi vào thảm cảnh thất nghiệp khi thương hiệu Shiseido đối diện với vụ kiện cáo tai tiếng.

 

Tự nhiên trắng tay

 

Vụ việc liên quan đến thương hiệu mỹ phẩm Shiseido đã tạo sự quan tâm của cơ quan chức năng cấp nhà nước. Mới đây, Văn phòng Chính phủ ra công văn chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, xử lý theo đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhiều nhà đầu tư về dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (gọi tắt là SCV, công ty con của Shiseido Nhật Bản, trụ sở tại Q.7, TP.HCM).

 

Các nhà đầu tư, những người đã góp không ít công sức, tiền bạc để xây dựng thương hiệu Shiseido nổi tiếng như hiện nay tại Việt Nam cũng đã gửi đơn tố cáo và kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tại TP.HCM và Trung ương để đề nghị làm rõ vụ việc.

 

Theo tìm hiểu của VietNamNet, khởi thủy năm 1996 - 1997, công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thủy Lộc (gọi tắt là công ty Thủy Lộc, trụ sở tại Q.7, TP.HCM) do bà Lê Hoài Anh làm Tổng giám đốc đã trở thành nhà phân phối và bán lẻ độc quyền mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam.

 

Bà Lê Hoài Anh cho rằng, bấy giờ mỹ phẩm Shiseido Việt Nam vẫn còn xa lạ và là thứ hàng xa xỉ đối với nhiều phụ nữ Việt Nam. Cũng từ giai đoạn đầu đó, bà Hoài Anh và lần lượt 13 nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng các cửa hàng bán lẻ Shiseido khắp Bắc - Trung - Nam, đưa loại mỹ phẩm cao cấp này đến tay người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, bà có 1 cửa hàng là đại lý bán lẻ mỹ phẩm Shiseido (100% vốn cá nhân) và 3 cửa hàng có hùn vốn kinh doanh với công ty Thủy Lộc tại TP.HCM và Hà Nội.

 

Bà Tâm nhớ lại thời kỳ đầu khó khăn: "Năm 1996, tôi hùn vốn kinh doanh với công ty Thủy Lộc bằng cách xây dựng các cửa hàng. Ngày ấy, chúng tôi phải giải thích cho từng khách hàng biết về mỹ phẩm Shiseido, thậm chí là tự bỏ tiền túi ra để giảm giá, biếu sản phẩm cho khách hàng dùng, tạo thói quen cho họ sử dụng mỹ phẩm Shiseido".

 

Một nhà đầu tư khác, bà Nguyễn Thị Thu Sơn (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng có 1 đại lý và 3 cửa hàng hùn vốn kinh doanh mỹ phẩm Shiseido với Thủy Lộc tại TP.HCM. Bà nói: " Trước đây khi làm ăn với Thuỷ Lộc, mỗi tháng chúng tôi được chia lợi nhuận rất sòng phẳng, trung bình được chia định kỳ 30 - 60 triệu đồng/cửa hàng/tháng".

 

Nhưng đến nay, bà Sơn cay đắng: "Hiện nay, chúng tôi mất trắng tất cả, công ty Thủy Lộc và SCV đều thoái thác trách nhiệm và không chịu trả lại phần vốn góp cho chúng tôi, bao nhiêu công sức "đầu tư" vào thương hiệu Shiseido gần 15 năm qua giờ bị phủi tay...".

 

Âm mưu thôn tính ?

 

Chính vì lý do trên, 13 nhà đầu tư, liên quan tới 18 cửa hàng (trong tổng số 68 cửa hàng mà công ty Thủy Lộc chuyển  giao cho SCV) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng kêu cứu về việc họ đang đối diện với sự thôn tính từ SCV, hất cẳng họ khỏi thị trường bán lẻ.

 

Thực tế diễn ra: toàn bộ hệ thống bán lẻ mỹ phẩm Shiseido đã bị phong toả, chỉ còn lại các cửa hàng 100% vốn của SCV đang hoạt động.

 

Điều đáng nói chính do cách giải quyết của công ty Thủy Lộc và SCV không rõ ràng đã đẩy các nhà đầu tư vào thế...rượt nợ, có khả năng mất cả chì lẫn chài.

 

Theo tìm hiểu của VietNamNet, sự việc bắt đầu lùm xùm vào thời điểm đầu năm 2010, công ty Thủy Lộc đã bán quyền quản lý, điều hành hệ thống bán lẻ, sau đó là bán phần tài sản của Thủy Lộc có trong hệ thống bán lẻ cho phía công ty SCV. Thương vụ có giá trị lên đến 8,25 triệu USD.

 

Trong khoảng thời gian sau đó, các nhà đầu tư nhỏ đã không nhận được khoản chia lợi tức như định kỳ mà ngược lại được phía SCV thông báo lỗ từ các cửa hàng có phần hùn của họ.

 
Bà Đặng Thị Thanh Hương (một nhà đầu tư cư ngụ tại TP.Hà Nội) cho biết, bà đầu tư vào 2 cửa hàng bán lẻ của Shiseido tại  Hà Nội và TP.HCM ngay từ những ngày đầu tiên khi Thủy Lộc nhận phân phối mỹ phẩm này. Tuy nhiên kể từ khi SCV tiếp quản quyền quản lý từ Thủy Lộc, bà chỉ nhận được những thông báo lỗ tại các cửa hàng.

 

Bà Hương cho rằng ở các cửa hàng khác do SCV kinh doanh (100% vốn của SCV, không có phần hùn của nhà đầu tư trong nước) thì lợi nhuận liên tục tăng cao từ 30 - 50% và liên tục có chương trình khuyến mãi rầm rộ.

 

"Có phải đây là chiến thuật tự làm thua lỗ để hất cẳng các nhà đầu tư trong nước?" - bà Hương nhận định

 

"Tức nước vỡ bờ", giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11/2011 hàng loạt các nhà đầu tư đã tìm đến trụ sở của công ty Thủy Lộc và SCV để phản ứng. Tuy nhiên đáp lại là thái độ thờ ơ, "đá bóng trách nhiệm" giữa công ty Thủy Lộc và SCV.

 

Cao trào hơn, khi các nhà đầu tư đang có nguy cơ bị mất trắng tài sản, không biết níu kéo ai để thu hồi vốn, thì hệ thống các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido bị đóng cửa và bị phong toả do quyết định số 08/2012/QĐ-BPKCTT của TAND TP.HCM dẫn tới  hơn 200 lao động bán hàng bị thất nghiệp.

 

Công ty Thủy Lộc và SCV kéo nhau dính vào một vụ kiện kinh tế chưa có tiền lệ trong ngành kinh doanh mỹ phẩm. Vậy thực hư vụ kiện tụng đình đám này là gì ?