Xâm nhập đường dây mua, bán hàng đa cấp và bán hàng qua mạng: Hệ lụy buồn (Tiếp theo kỳ trước)

15:39, 22/03/2012

Mua, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng là một hình thức kinh doanh mới. Trên thế giới, hình thức mua, bán này được đánh giá là có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào nước ta, nó đã bị biến tướng, đang lôi kéo nhiều người tham gia với điều kiện phải mua sản phẩm tại công ty với giá từ 3 đến 4,5 triệu đồng/sản phẩm hoặc phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để có được gian hàng trên mạng…

Trở thành… “con nợ”

 

Mới đây, qua tìm hiểu chúng tôi được biết Nguyễn Thị L, sinh viên Khoa Sử K46 (năm thứ nhất) của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên là một trong nhiều sinh viên đã trở thành “con nợ” của cửa hàng cho vay nặng lãi vì chót tham gia hệ thống bán hàng qua mạng Internet.

 

Gặp chúng tôi, L kể lại: Sau khi nhập học được 3 tuần, có một chị học khóa trên của Khoa Toán Tin tên là Huyền ở gần khu trọ bắt quen với em rồi rủ đi nghe dự án. Em được Huyền đưa tới Văn phòng của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, T.P Thái Nguyên). Tại đây, em được nhân viên của Công ty thuyết trình rất hay về việc đăng ký tham gia gian hàng trên mạng để trở thành hội viên, sau đó sẽ được mua nhiều loại sản phẩm (như nước hoa, quần áo, giày dép, thắt lưng, thẻ điện thoại, nước mắm…) với giá rẻ. Người tham gia cũng được hưởng nhiều lợi ích của Công ty, như bán hàng thì được hưởng “hoa hồng”. Để trở thành hội viên, có gian hàng trên mạng thì phải nộp phí 5,2 triệu đồng. Khi em  bảo mình không có tiền, 1 chị làm ở Công ty tên là Yến (quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hiện đang học Khoa Địa cùng Trường) đã đưa em tới 1 cửa hiệu cầm đồ cắm giấy chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên để vay tiền (5,2 triệu đồng) với lãi suất tính theo ngày (mỗi ngày phải trả lãi 5 nghìn đồng/1 triệu đồng tiền vay). Chị Yến cũng trực tiếp ký bảo lãnh cho em. Sau khi vay, em nộp hết số tiền đó cho chị Yến. Công ty không có hợp đồng nào với em cả. Sau khi nộp tiền, em thấy có tên mình trên gian hàng, ngoài ra không có sản phẩm gì. Khi biết em tham gia bán hàng qua mạng, bạn Nguyễn Thị G.  (học  cùng lớp, ở cùng khu trọ) đã nhờ em đưa đến Công ty để đăng ký tham gia. Sau khi bạn G. tham gia hệ thống này, em được chị Yến đưa cho 1,5 triệu đồng. Số tiền này em dùng để trả một phần tiền gốc và tiền lãi vay của cửa hiệu cầm đồ...

 

Như chúng tôi đã đề cập ở phần trước, đối với các hệ thống bán hàng đa cấp thì ngoài “chiêu bài” mời chào bán sản phẩm còn luôn khuyến khích những người tham gia tiếp tục mời nhiều người khác cùng vào “mạng lưới”. Ngay sau khi mời thêm được 1 người tham gia thì người vận động sẽ được trả tiền trực tiếp. Bản thân Nguyễn Thị G. sau khi tham gia hệ thống bán hàng qua mạng đã vận động được 2 bạn sinh viên cùng Trường là Mạc Thị P (lớp Sử CK46) và Đinh Thị N (lớp Sinh CK46) cùng tham gia, nhờ đó G được Công ty trả cho 3 triệu đồng. G cũng đã dùng số tiền này để trả một phần tiền gốc và tiền lãi (vay của cửa hiệu cầm đồ trước đó để lấy tiền nộp vào Công ty).

 

…Với nỗi lo đè nặng trong mình

 

Chúng tôi tìm đến nơi Mạc Thị P đang ở trọ. Khi được hỏi về việc tham gia gian hàng trên mạng, P kể: Trước đây, em và Nguyễn Thị G ở cùng phòng trong khu ký túc xá. Một hôm bạn ấy hỏi em có thích đi làm thêm không? Về việc này em rất thích, bởi hoàn cảnh gia đình (ở Cao Bằng) rất khó khăn, em cũng muốn đi làm thêm để đỡ đần cho bố mẹ. Được bạn G dẫn ra Công ty, các anh chị ở đây hướng dẫn em rất "tận tình", còn bảo khi nào thành công thì báo cho gia đình để bố mẹ mừng. Công ty yêu cầu nộp 5,2 triệu đồng để được tham gia gian hàng trên mạng, em không có tiền, chị Yến (nhân viên Công ty) đã dẫn em tới 1 cửa hiệu cầm đồ nằm trên đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên) để vay tiền nộp cho Công ty.

 

Khi được hỏi em có mua và bán hàng trên mạng không, P cười trừ: Em làm gì có tiền để nạp vào mà mua hàng. Và nếu mua vào rồi cũng không biết bán cho ai được…

 

- Vậy đến giờ em đã trả nợ cho cửa hiệu cầm đồ được bao nhiêu tiền?

- Em đã vận động được 1 bạn là Vi Thị G ở lớp Sinh K46 (cùng Trường) tham gia hệ thống bán hàng qua mạng, sau đó được Công ty trả cho 1,5 triệu đồng. Dành số tiền này cộng với tiền ăn bố mẹ gửi cho hàng tháng, em đã đem trả cho cửa hiệu cầm đồ 2 lần được 4 triệu đồng (cả lãi), giờ vẫn còn nợ hơn 2 triệu đồng nữa.

 

Tất cả những sinh viên mà chúng tôi gặp đều cho biết để có tiền nộp vào và tham gia mạng lưới bán hàng qua mạng, các em đã được chính nhân viên của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến đưa đi vay lãi ngày tại các cửa hiệu cho vay cầm đồ (với mức lãi suất tính theo ngày là 5 nghìn đồng/1 triệu đồng tiền vay). Trong khi đó, tiền ăn học của các sinh viên này đều do gia đình gửi xuống hàng tháng, vậy các em sẽ  lấy đâu ra tiền để trả món vay nặng lãi này? Một số trường hợp do không có khả năng thanh toán đã phải cầu cứu gia đình, bố mẹ các em đành phải cắn răng xuống trường trả nợ cho con. Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Thị L, những ngày giáp Tết Nhâm Thìn vừa qua mẹ em đã phải vội vàng bắt xe ô tô từ Lạng Sơn xuống, mang tiền ra hiệu cầm đồ trả hết nợ cho con. Chị thở dài khi tâm sự với chúng tôi: Thôi thì “con dại cái mang”. Tôi có 2 con, L là cháu lớn. Cứ tưởng nó đi học đại học thì  khôn ngoan ra, ai ngờ. Nhà tôi có khá giả gì đâu. Bố cháu làm nghề xe ôm, còn tôi thì nấu cơm thuê cho một trường tiểu học ở gần nhà. Hai vợ chồng mỗi tháng kiếm được hơn 2 triệu đồng thì phải gửi cho L 1,5 triệu đồng để cháu lo tiền ăn học, thuê trọ. Khi biết cháu vì tham gia đường dây này mà mắc nợ, tôi đã phải vay nóng anh em họ hàng để mang tiền xuống trả ngay, nếu không “lãi mẹ đẻ lãi con” thì khổ…

 

Theo chúng tôi được biết, ngoài 2 trường hợp là L và G gia đình đã phải đem tiền xuống trả nợ cho con thì còn nhiều em như P, N… vẫn đang là “con nợ” của cửa hiệu cầm đồ. "Nhiều lúc ngồi học mà tâm hồn em cứ để đi đâu ấy. Chả biết khi nào em mới trả được hết món nợ" - Mạc Thị P vừa lo lắng, vừa bức xúc khi tâm sự với chúng tôi. Mỗi tháng, bố mẹ P gửi cho em 2 triệu đồng để lo chuyện ăn học. Trong khi đó tiền thuê phòng trọ, tiền điện mỗi tháng đã ngốn hết 700 nghìn đồng, chỉ còn 1,3 triệu đồng dành cho ăn uống và chi tiêu lặt vặt hàng ngày, vậy thì không biết đến bao giờ em mới trả được hết số tiền vay tính lãi theo ngày cho cửa hiệu cầm đồ? Hiện, số tiền gốc P còn nợ là hơn 2 triệu đồng. Xem hợp đồng vay tiền của em (từ ngày 12-12-2011), trong phần thoả thuận riêng có ghi rõ: “Tôi xin cam đoan sẽ hoàn trả nợ đúng thời hạn, nếu sai tôi xin chịu lãi suất cao hơn". Khi được hỏi “lãi suất cao hơn” là bao nhiêu phần trăm thì P lắc đầu: Em cũng không biết. Khi vay họ bảo ghi thế nên em cứ làm theo, cốt là có được tiền để tham gia đường dây bán hàng trên mạng mua bán 24.vn...

 

Bài học cảnh tỉnh

 

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, chỉ có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (đã đề cập ở phần trước) là có hợp đồng đối với người tiếp thị, hay còn gọi là chuyên viên kinh doanh, nhưng với nhiều điều khoản đề ra đều có lợi cho bên A (Công ty), còn với  mạng lưới bán hàng qua mạng lại không có bất cứ hợp đồng nào mang tính chất ràng buộc đối với những người tham gia. Khi chúng tôi thắc mắc, ông Trần Văn Anh, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến tại Thái Nguyên, cho rằng việc đăng ký gian hàng trên mạng đã là một bản hợp đồng rồi. Số tiền người tham gia nộp cho Công ty sẽ được chuyển ra ngân hàng, sau đó người tham gia được kích hoạt gian hàng trên mạng (và trở thành hội viên). Nếu hội viên nào đặt hàng mà không lấy thì gian hàng sẽ bị huỷ… Điều đáng nói là do thiếu thông tin nên không ít sinh viên đã bị lôi kéo tham gia mạng lưới này, phải nộp 5,2 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn để có nhiều gian hàng trên mạng (theo lời khuyên của nhân viên các công ty này). Trong khi đó, vấn đề chính các công ty này khuyến cáo những người tham gia “tích cực thực hiện” không phải là việc mua, bán loại hàng hóa gì qua mạng mà là đi vận động nhiều người khác cùng tham gia để có thể kiếm được nhiều tiền. Phần lớn các sinh viên tham gia mạng lưới đều mới học năm thứ nhất, ít nắm được thông tin. Bên cạnh đó, các công ty này đã “đánh trúng” vào tâm lý muốn đi làm thêm, ham tiền, ham quyền của nhiều sinh viên cũng như một số đối tượng khác. Và như vậy, các hệ thống bán hàng qua mạng đã thu lợi trực tiếp từ những người vì thiếu thông tin nên chót đăng ký tham gia, để rồi “tiền mất tật mang”, bỗng dưng trở thành những “con nợ” của các cửa hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi. Mặt khác, các sản phẩm của những công ty này cung cấp đều không có thương hiệu, thời gian và địa điểm bảo hành, về phần hướng dẫn sử dụng thì hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Sản phẩm cũng không được đơn vị có chức năng trong nước tiến hành kiểm định về chất lượng…

 

Từ thực tế trên, thiết nghĩ bản thân mỗi người dân, nhất là các bạn sinh viên, cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các “chiêu bài” mời chào của hệ thống bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng. Đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét kỹ những sản phẩm của các công ty này cũng như phạm vi hoạt động, cách thức kinh doanh…

 

Và, như chúng tôi đã đề cập, nhiều sinh viên khi có nhu cầu tham gia mở gian hàng trên mạng đã được nhân viên của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến đưa tới các cửa hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi để vay tiền nộp cho Công ty. Vậy ở đây có sự "khép kín" trong quy trình "kinh doanh" hay không? Với câu hỏi này, lại xin được nhường phần trả lời cho cơ quan chức năng.