Mua, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng là một hình thức kinh doanh mới. Trên thế giới, hình thức mua, bán này được đánh giá là có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào nước ta, nó đã bị biến tướng, đang lôi kéo nhiều người tham gia với điều kiện phải mua sản phẩm tại công ty với giá từ 3 đến 4,5 triệu đồng/sản phẩm hoặc phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để có được gian hàng trên mạng… Với “chiêu bài” lợi nhuận, hoa hồng cao, được thăng cấp bậc… tất cả những người tham gia dường như đã bị mê hoặc bởi thủ đoạn kinh doanh này, khiến họ vốn là nạn nhân bỗng trở thành “tòng phạm” trong việc đi thuyết phục người khác tham gia cùng để hưởng hoa hồng...
Nhiều cách… mồi chài
Qua một người bạn, tôi được tiếp xúc với người phụ nữ tên là Bình (60 tuổi), có cửa hàng bán nước ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Mới bước vào cửa hàng, bà Bình đã đon đả: “Ôi! Chào cháu, vào đây, vào đây. Thế làm ở đâu? Tham gia vào đường dây bán hàng này hay lắm. Như cô đây này, mới làm có hơn một tháng thôi mà kiếm khối tiền đấy…”. Và cứ thế, bà Bình thực hiện bài “thuyết trình” của mình khiến tôi cũng phải… xiêu lòng. Bà bảo: “Cái này nó hay lắm, mang từ Mỹ về đấy. Đây là một cuộc cách mạng trong đời sống xã hội. Khi sử dụng sản phẩm này thì khỏi phải nói, người béo sẽ tiêu mỡ, giảm cân, người gầy sẽ béo lên…”. Và để “chứng minh”, bà vội vào nhà đem ra một gói bột màu tím hồng pha với nước mời tôi uống. “Uống cái này bách bệnh tiêu tan” - bà nói. Câu chuyện giữa tôi và bà đang “vào gam” thì có thêm một nhân vật nữ tên là Mai xuất hiện. Nhân vật này tỏ ra từng trải và kinh nghiệm hơn hẳn bà Bình. Nghe nói tôi có ý muốn tham gia đường dây, chị Mai liên tiếp đưa ra những lời chào mời hấp dẫn: “Hàng này là đầu bảng hiện nay đấy. Bên Mỹ có hàng trăm loại, nhưng mới đưa về Việt Nam có 3 loại thôi, gồm: MAQUI, BHIP ENERGY BLEND và PLEASUR. Hàng này không cần bán rộng rãi, chỉ để sử dụng và tặng nhau. Mà muốn mua trên thị trường cũng không lấy đâu ra. Hàng độc đấy…”. Vậy làm thế nào để được tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp này? - tôi hỏi. Chị Mai liền tiếp lời: “Rất đơn giản. Chỉ cần em bỏ ra 4,5 triệu đồng là có ngày một bộ sản phẩm và được công ty cấp cho thẻ hội viên. Hay nhất là ở chỗ khi em về “chia sẻ” với hai người bạn thân, vận động họ tham gia là em cứ… ngồi đấy mà thu tiền. Bản thân chị đây này, trong dịp Tết vừa qua kiếm được trên 50 triệu đồng. Dễ lắm, làm đi! Trẻ và có nhiệt huyết như em thế này thì càng tốt, mấy mà giàu”…
Điều mà tôi dễ nhận thấy là các sản phẩm mà bà Bình, chị Mai đem ra giới thiệu hoàn toàn viết bằng tiếng Anh, không ghi rõ đơn vị nào nhập khẩu về Việt Nam. Hơn nữa, giá trị đích thực của sản phẩm ở chỗ nào cũng chẳng rõ. Chỉ biết rằng nếu tôi cứ giới thiệu được nhiều người tham gia đường dây thì khi có thêm một người là cả đường dây lại được hưởng lợi ở những mức khác nhau.
Không chỉ có vậy, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện hình thức kinh doanh, mua bán trên mạng. Hình thức này theo đánh giá ban đầu của chúng tôi thì có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, nó cũng đang bị biến tướng khiến nhiều người (nhất là các bạn sinh viên) khốn khổ vì nó. Một nhân vật tên Yến, quê ở Yên Bái, đang là sinh viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chính là một trong những thành viên năng động của hệ thống bán hàng trên mạng của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (có tên miền: www.muaban24.vn). Cô gái này tỏ ra rất kinh nghiệm, chào mời chúng tôi một cách nhiệt thành. Trong vai người dân muốn tham gia bán hàng qua mạng, chúng tôi có mặt tại trụ sở Văn phòng của Công ty này - đang được thuê tại Tòa nhà Bảo Minh (nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, T.P Thái Nguyên). Tôi và đồng nghiệp được Yến mời vào gặp trực tiếp giám đốc Công ty. Sau nhiều chiêu mời chào, quảng cáo rất hay về hệ thống này, chúng tôi được đưa sang phòng "chia sẻ". Tại đây, Yến là người trực tiếp "giải thích" để chúng tôi hiểu về hệ thống, từ đó có thể đăng ký tham gia. Theo lời Yến thì tham gia vào hệ thống bán hàng này không phải là đa cấp mà là một mô hình thương mại điện tử. Người tham gia phải có ít nhất 1 gian hàng, với phí thuê gian hàng là 5,2 triệu đồng. Khi đã có gian hàng, trở thành hội viên thì được mua hàng của hệ thống theo giá hội viênn (rẻ từ 30-40% so với giá thực tế trên thị trường). Người có gian hàng có thể đặt mua hàng về dùng hoặc giới thiệu bán ngay trên mạng thông qua gian hàng của mình. Khi chúng tôi thắc mắc về mức phí nộp để “mua” gian hàng cao, mà chỉ có mỗi tên mình trên đó, không có sản phẩm thì Yến cho rằng: “Số tiền đăng ký gian hàng chúng em phải nộp về Hà Nội. Đây cũng là cách để chống việc khách đã đăng ký mua nhưng khi chúng em mang hàng đến thì người khách đó lại không mua, khi đó gian hàng trên sẽ bị huỷ”. Tuy nhiên, Yến cũng không khuyến khích chúng tôi nhiều trong việc mua hàng mà bảo: “Anh, chị muốn có thu nhập nhanh thì cứ vận động thêm nhiều người tham gia. Mỗi một trường hợp vận động được họ tham gia thì anh, chị sẽ được trả trực tiếp 1,5 triệu đồng. Sau đó, họ tiếp tục vận động những người khác tham gia, khi đó anh, chị lại được hưởng thêm 320 nghìn đồng khi có thành viên mới. Cứ thế, nếu anh, chị được lên “VIP” thì kiếm nhiều tiến lắm…”. Nói rồi, Yến mở gian hàng của mình trên mạng và khoe với chúng tôi: Theo 2 nhánh của em, mỗi nhánh có 99 gian hàng (tức là gần 200 người tham gia) thì em sẽ được phong "Vip", tương đương với số tiền được hưởng là trên 100 triệu đồng…
Đánh vào tâm lý ham tiền, ham quyền
Tiếp đó, chúng tôi có mặt một địa điểm chi nhánh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại Thái Nguyên. Cũng với “chiêu bài” mời chào, các nhân viên của Công ty này liên hồi thuyết trình: "Trong cuộc sống cần có rất nhiều thứ, nhưng nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì cả. Vì vậy đến với Thiên Ngọc Minh Uy tức là bạn đã tìm đến với sự thành đạt. Làm ở Thiên Ngọc Minh Uy nhàn nhã, có thể làm ngoài giờ, thu nhập lại cao. Đối tượng tham gia không cần bằng cấp, chỉ cần là công dân từ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự thì đều có thể tham gia...". Sản phẩm chính của Thiên Ngọc Minh Uy là máy lọc ozone”. Rồi các nhân viên ở đây đưa ra một hình dung… đầy đe dọa đối với sức khoẻ của con người bởi môi trường rất độc hại: Thịt lợn chứa bột tăng trọng, cá biển ướp bằng phân đạm, rau quả có thuốc trừ sâu... Vì vậy phải dùng máy lọc ozone để xử lý chất độc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người. Và, trên chiếc bảng lớn, một nhân viên nhanh chóng làm phép tính về lợi nhuận từ việc kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để giới thiệu với chúng tôi. Cụ thể: Bạn A mua 1 sản phẩm của Công ty (ít nhất là 3 triệu đồng), sau đó giới thiệu cho bạn B vào làm và phải mua một máy lọc ozone của Cty. Khi đó bạn A được hưởng “hoa hồng” là 400.000 đồng. Khi B lại giới thiệu cho C vào làm, mua sản phẩm thì B được hưởng “hoa hồng” 400.000 đồng, còn A được hưởng thêm 80.000 đồng. Tiếp đó, nếu C giới thiệu cho D vào làm thì C được hưởng 400.000 đồng, B được 80.000 đồng, còn A được 20.000 đồng...
Với những “chiêu bài” trên, các công ty bán hàng đa cấp đã đánh vào tâm lý chung của người dân đó là vừa ham tiền, vừa ham quyền. Nghe những lời mời chào đường mật của nhân viên các công ty này, cũng như một số người thân quen khi dẫn dắt, các "con mồi" đều cảm thấy việc kiếm tiền rất nhanh chóng và dễ dàng. Chị Nguyễn Thị H., ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) khóc dở mếu dở khi kể lại chuyện với chúng tôi: Chị được một người bạn thân đang làm nhân viên cho Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy khoe mỗi tháng bán hàng được thưởng từ 50-70 triệu đồng. Việc làm ăn rất thuận lợi, sản phẩm của Công ty toàn hàng "xịn" mà lại không có bán trên thị trường. Bán được nhiều sản phẩm, giới thiệu được nhiều bạn bè tham gia thì ngoài số tiền thưởng cao còn được Công ty “thăng cấp” từ "chuyên viên kinh doanh" lên "tổ trưởng kinh doanh", "chủ nhiệm kinh doanh", "phó phòng kinh doanh" đến "trưởng phòng kinh doanh"... rồi lên chức “Rubi” (chức vụ cao nhất của nhân viên tham gia). Điều kiện để được “thăng cấp” của nhân viên kinh doanh là phải giới thiệu trực tiếp được 3 người mua sản phẩm của Công ty (với giá mỗi sản phẩm ít nhất là gần 3 triệu đồng) thì sẽ được “thăng cấp” lên "trưởng phòng kinh doanh". Tương tự như vậy, từ "trưởng phòng kinh doanh" muốn được lên "chủ nhiệm kinh doanh" thì cũng phải giới thiệu được 3 người mua 3 sản phẩm trực tiếp... Thấy “ngon ăn”, chị H. đã dồn tiền của nhà, vay thêm bạn bè để mua 3 chiếc nồi áp suất (mỗi chiếc giá gần 3 triệu đồng). Tuy nhiên, Công ty lại có quy định "mỗi người có chứng minh thư nhân dân chỉ được mua 3 chiếc nồi”, chị H. đã mượn giấy chứng minh nhân dân của một người bạn để mua thêm 1 suất (gồm 3 chiếc nồi áp suất và 1 bình xục ôzôn, 2 bếp từ), với tổng số tiền trên 30 triệu đồng… Sau đó biết thông tin, gia đình đã không cho chị tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nữa. Số hàng đã chót mua đành phải để anh em trong nhà dùng, không bán cho ai.
Cũng như trường hợp chị H., một loạt sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tham gia mạng mua bán hàng (với tên miền www.muaban24.vn mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên) đã “hoa mắt” khi “nghe kể” về các chị đi trước được “thăng cấp” vù vù lên "Vip", rồi "Rubi", được thưởng những khoản tiền lớn để mua láp-tốp, điện thoại, xe máy đẹp… Với “chiêu bài” đánh vào tâm lý muốn làm thêm kiếm tiền của sinh viên, các nhân viên của hệ thống này đã mời chào được một loạt sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tham gia. Nhưng, tiền đâu chẳng thấy, nhiều sinh viên bỗng chốc trở thành những con nợ của các hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi…
(Còn nữa)