Toà án nhân dân T.P Hải Phòng cho biết, ngày 16/4 là chính thức hết thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm dành cho các bị cáo trong vụ án Vinashin. Theo đó, đã có 8/9 bị cáo làm đơn lên Tòa án tối cao xin giảm nhẹ hình phạt.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo TAND TP Hải Phòng cho biết, ngày 16/4 là ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Đã có 8/9 bị cáo trong vụ án làm đơn kháng cáo gửi lên TAND tối cao.
Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình xin giảm nhẹ hình phạt thấp hơn so với mức án kịch khung 20 năm trong bản án sơ thẩm.
Bị cáo duy nhất liên quan đến vụ án không làm đơn kháng cáo là Nguyễn Tuấn Dương - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội sử dụng trái phép tài sản.
Trước đó, vào ngày 30/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt: nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình 20 năm tù giam vì đã có những sai phạm trong 3 dự án: Mua tàu Hoa sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân; xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Thời hạn tù đối với bị cáo Bình được tính từ ngày tạm giam 04/8/2010; cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan Nhà nước và tổ chức kinh tế trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin nhận mức án 19 năm tù về tội cố ý làm trái. Trần Văn Liêm đã cùng Phạm Thanh Bình mua tàu Hoa Sen, gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.
Bị cáo Tô Nghiêm - nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, lĩnh 18 năm tù vì đã mua nhà máy nhiệt điện chạy dầu diesel cũ, lắp tại Cái Lân, ký nhận bàn giao khi dự án chưa hoàn thành.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh nhận 16 năm tù giam, vì đã triển khai dự án nhiệt điện Sông Hồng mà không làm thiết kế kỹ thuật xin ý kiến các cơ quan chức năng, làm giả hồ sơ để vay tiền từ Vinashin…
Bị cáo Trịnh Thị Hậu - khi phạm tội là Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) nhận14 năm tù giam vì đã giải ngân trái quy định, cho vay không thẩm định dự án nên dẫn đến bên vay không có khả năng thanh toán, nguy cơ mất vốn.
Bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc VFC, 13 năm tù vì đã triển khai giải ngân, cho vay không đúng quy định trong dự án mua tàu Hoa Sen.
Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu thuộc Vinashin, 11 năm tù vì đã bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang trái quy định.
Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh, 10 năm tù vì đã tiếp tay cho Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Hoàng Anh triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, làm giả chứng từ vay vốn của Vinashin.
Về xử lý vật chứng liên quan trực tiếp đến vụ án này: Áp dụng khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng Hình sự, chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Công ty TNHH Một thành viên Tài chính CNTT (VFC) được nhận số tiền 1.000.000.000 (một tỷ) đồng của Trần Quang Vũ tự nguyện bồi thường. Khoản tiền này được đối trừ cho Tổng công ty Nam Triệu về nghĩa vụ trả nợ Phụ lục hợp đồng tín dụng số 06-D/05/03-TPQT ngày 11/9/2007 giữa VFC và Tổng công ty Nam Triệu.
Tập đoàn Vinashin được nhận số tiền 5.000.000.000 (năm tỷ) đồng do Nguyễn Tuấn Dương tự nguyện bồi thường; khoản tiền này được đối trừ cho Công ty Cửu Long phải trả cho Tập đoàn trong khoản vay 300 tỷ đồng. Số tiền trên hiện đang được Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng tiếp tục tạm giữ khoản tiền trên để bảo đảm cho việc thi hành án.
Ngoài ra, Phạm Thanh Bình và 8 thuộc cấp trong phải thực hiện việc nộp thêm số tiền trên 2 tỷ đồng về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án này.