Phần lớn những vụ truy nhận cha cho con bắt nguồn từ một mối quan hệ oái oăm, chẳng hạn người đàn ông ngoại tình khi đang có gia đình...
Nếu trong một giao dịch dân sự bình thường nào đó, các bên có thể tiến hành công khai, minh bạch, có giấy trắng, mực đen, có thể có thêm người làm chứng thì những sự vụ truy nhận cha cho con, thường chỉ có người trong cuộc biết rõ với nhau mà thôi.
Chứng cứ mù mờ, gánh nặng giám định
Phần lớn những vụ truy nhận cha cho con bắt nguồn từ một mối quan hệ oái oăm, chẳng hạn người đàn ông ngoại tình khi đang có gia đình. Đối với những vụ việc này, tòa căn cứ vào lời khai và các chứng cứ khác để chứng minh họ có quan hệ tình cảm như thư từ, email, hình ảnh… Tuy nhiên, từ quan hệ tình cảm để khẳng định có quan hệ tình dục để sinh ra đứa bé thì không có một căn cứ nào đảm bảo.
Nếu người cha sau khi được tòa phân tích, thấy được trách nhiệm của mình thì vụ việc còn có thể kết thúc tốt đẹp, bằng không thì đành phải cậy nhờ vào các giám định khác để làm căn cứ xét xử. Một biện pháp phổ biến mà ai cũng nghĩ ngay đến là xét nghiệm ADN. Nhưng chi phí để làm thủ tục xét nghiệm là cả một vấn đề lớn đối với không ít phụ nữ. Ngày nay, chi phí đã giảm khá nhiều (tương đương 10 triệu đồng) mà không ít phụ nữ còn không thể có để ứng ra, nói gì đến trước đây. Bao nhiêu trường hợp sau khi nhận được thông báo của tòa, người mẹ đó chỉ biết ngậm ngùi ôm con về buông xuôi mọi chuyện, chấp nhận con mình không có cha và đứa trẻ buộc phải chấp nhận rằng trong khai sinh của nó có một phần trống ở ô “tên họ người cha” cũng như một khoảng trống trong tâm hồn do thiếu vắng vai trò của người đã tạo ra mình.
Đương sự trốn, từ chối xét nghiệm
Nhiều trường hợp, người mẹ có đủ tiền xét nghiệm ADN nhưng rồi cũng không thể tiến hành để có kết quả cho tòa xét xử bởi người cha đã “nhấn nút” biến mất.
Tôi đang theo đuổi một vụ truy nhận cha cho con mà người cha trong vụ việc đã biến mất ngay khi nghe tin có một đứa trẻ đang tượng hình mang huyết thống của mình. Cô gái trong hoàn cảnh đó một mình sinh con, nuôi nấng và quyết tâm tìm cha cho con.
Nhìn lại, cô cho rằng đó là một thủ đoạn vì người tình giấu nhẹm tất cả, không chịu chụp bất kỳ tấm ảnh chung nào và bỏ việc ngay khi cô thông báo có thai để lẩn trốn. Qua nhiều khó khăn, cô gái đã tìm được thông tin gia đình cha của con mình. Họ là một gia đình có học thức và khá thành đạt ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), cũng giống người đã phụ bạc mẹ con cô - một người đàn ông thành đạt, có học vị thạc sĩ. Cô đã đến nơi xin gia đình khuyên lơn để cha bé nhận con nhưng gia đình vẫn cứ trốn tránh trách nhiệm và giấu bặt thông tin con mình. Họ chỉ gửi cho cô vài hộp sữa nuôi cháu rồi sau đó lại thôi.
Tôi hỏi cô có thấy ngại ngùng không khi người khác biết chuyện này và có thể có cái nhìn không đúng về cô. Cô nói mình không ngại gì cả. Người đáng xấu hổ là người cha đã đành tâm dứt bỏ con mình và cái gia đình không dám nhận con, nhận cháu. Tôi vẫn đang cùng cô ấy truy tìm thông tin cha của đứa trẻ để có thể hoàn tất thủ tục nhận con. Khó khăn nhiều và đau lòng cũng lắm khi phải làm điều này nhưng vẫn phải làm vì có một đứa trẻ đang cần biết cha nó là ai. Dù sau khi tòa tuyên cha nó có trách nhiệm với nó hay không thì nó cũng cần biết người đã bỏ rơi nó trên cõi đời này mà không hề đếm xỉa tới.
Ngay cả trong trường hợp tìm ra người cha, có người còn không chịu tiến hành xét nghiệm ADN. Lúc đó, mọi thứ lại không thể giải quyết được vì luật không quy định rằng trong trường hợp này phải xử lý như thế nào. Tòa không thể buộc họ phải phối hợp để xét nghiệm.
Người thân bất hợp tác
Trường hợp người cha còn sống đã khó khăn như vậy thì trong trường hợp người này đã mất, chuyện truy nhận cha lại càng lắm nhiêu khê.
Trong một vụ hai người con xin truy nhận cha tại TP.HCM mà tôi có dịp tiếp xúc, người cha đã mất, anh chị em của người này thì trước sau luôn khăng khăng chối bỏ và từ chối giám định ADN. Vị chủ tọa phiên tòa hôm đó đã đặt một câu hỏi khiến cả khán phòng im bặt. Ông nói với một người chú: “Khỏi cần giám định ADN, ông nhìn thử xem dáng vóc, hình thể của họ có giống người nhà ông không? Ông hỏi thử những người ở phiên tòa này xem người ta nói thế nào?”...
Sau một hồi im lặng, cả khán phòng chợt râm ran: “Giống quá, giống quá!”. Thật sự thì người cháu trai của họ giống y đúc chú bác của mình. Cả cái dáng đứng, nét mặt, đôi mắt, ai nhìn cũng thấy rất rõ. Dù vậy, những người chú, người bác vẫn quyết lạnh lùng ngoảnh mặt.
Trong phiên xử hôm ấy, tòa chưa quyết định được. Nhưng với những gì đã diễn ra, tôi tin rằng nếu kết quả có như thế nào thì những người chú, người bác cũng nói rằng họ không tin kết quả, không bao giờ thừa nhận cháu.
Khoảng trống mênh mông!
Vất vả, gian nan là thế nhưng một người mẹ dù đã hoàn tất thủ tục nhận cha cho con cũng không thể nào tìm được cho con mình một người cha thật sự. Cái họ được chỉ là một quyết định của tòa, một tên cha được cải chính trong giấy khai sinh, còn tình cha con, nghĩa dưỡng dục thì không. Nếu tòa quyết là người cha phải trợ cấp nuôi con thì họ sẽ thực hiện, còn chăm nom, nuôi dạy, dành cho con trẻ một sự quan tâm, yêu thương như một người cha bình thường thì hầu như không thể.
Chắc có người sẽ trách người mẹ của những đứa con không được thừa nhận. Có người sẽ cho rằng vì họ không biết giữ mình, không xem xét tường tận mà tạo ra đứa bé không được đường hoàng, chính thức. Nhưng khoan hãy đổ dồn mọi lỗi lầm lên người phụ nữ vì dù thế nào, họ cũng đang bảo bọc, chăm lo con mình và đương đầu với bao điều tiếng. Trong khi đó, người đàn ông mà họ tin tưởng, thương yêu lại nỡ đang tâm phụ bạc, dứt bỏ tình thân. Vậy ai mới là người đáng trách hơn ai?