Trở lại những làng quê dính "cơn lốc" tín dụng đen

08:47, 14/07/2012

Thời gian qua, tại Hà Nội, đã xảy ra một loạt vụ vỡ nợ do tín dụng đen. Vợ chồng Quang-Quyên bị bắt; con nợ Nguyễn Thị Cúc sau một thời gian lẩn trốn cũng ra đầu thú, kế đến là trùm nợ Nguyễn Thị Dậu sa lưới pháp luật… Lần lượt các con nợ tiền tỷ xộ khám đã nhen nhóm hy vọng cho biết bao chủ nợ. Dẫu là mong manh, họ cũng muốn vớt vát được phần nào tài sản đã bị mất. Nhưng đến thời điểm này, tia hy vọng cuối cùng ấy cũng dần tắt lịm vì cơ hội đòi lại tài sản của các chủ nợ là rất ít.

Bởi con nợ sau khi bị bắt giữ đều khai rằng họ dùng tiền đầu tư vào kinh doanh vàng, bất động sản bị thua lỗ, số còn lại đã dùng để trả lãi suất theo ngày, không có khả năng chi trả. Trong khi đó, số tài sản cơ quan điều tra thu giữ được lại quá ít, chẳng thấm gì so với hàng trăm tỷ đồng mà các đầu mối đứng ra thu gom của người dân.

 

Đã hơn một tuần kể từ sau vụ nổ mìn kinh hoàng, gia đình ông Nguyễn Ngọc Ky (73 tuổi, ở xóm An Sơn, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo sợ. Ông Ky lo cho mình một phần, lại lo cho người thân trong gia đình bội phần. “Tôi đã già rồi, các cháu còn nhỏ quá. Hôm đó, may mà bà ấy và đứa cháu chỉ bị thương nhẹ, nếu không thì chúng nó ân hận cả đời. Bây giờ, tôi chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của lực lượng Công an, tìm ra kẻ thủ ác” - giọng rầu rầu, ông Ky kể lại. "Nó" mà ông Ky nói đến ở đây là đứa con của ông.

 

Trước đây, chúng đứng ra huy động vốn làm ăn giờ không có khả năng chi trả. Không đòi được tiền của chúng nó, các chủ nợ xoay sang đe dọa bắt ép ông Ky và vợ phải trả nợ. Nhưng ông bà nào có sung sướng gì, cả đời ky cóp giờ cũng trắng tay, khó khăn lắm mới xoay xở đủ cho mấy miệng ăn.

 

Nhớ lại sự việc đã xảy ra, ông Ky thảng thốt: Khoảng 2h05, ông Ky và gia đình đang xem trận chung kết Euro thì ngoài sân có tiếng động mạnh, bà Nguyễn Thị Nhị (70 tuổi, vợ ông Ky) vội chạy ra sân. Trong bóng tối nhập nhoạng, bà phát hiện thấy một làn khói. Thấy vậy, bà liền hô hoán rồi cùng cháu gái là Nguyễn Thị Diệu Ngọc (20 tuổi) chạy đến múc nước nhằm dập lửa…

 

Một lần nữa, ông bà lại gặp may khi ông Ky nghi đó là thuốc nổ nên hô hoán mọi người bỏ chạy. Bà Nhị và cháu Ngọc chạy được vài bước thì vụ nổ xảy ra nên may mắn chỉ bị thương nhẹ. Ngồi cạnh chồng, bà Nhị không giấu được tâm trạng bức xúc, bà ngậm ngùi: “Thời gian gần đây, gia đình tôi thường bị đe dọa giết để đòi nợ. Trước đó, không ít lần các đối tượng đã ném dầu nhớt và gạch đá vào nhà”...

 

Rời nhà ông Ky, chúng tôi về Liên Trung (Đan Phượng) tìm gặp anh Nguyễn Đình Đính (48 tuổi), một nạn nhân của vỡ nợ tín dụng đen. Hai tháng kể từ sau cái chết thương tâm của người vợ anh Đính là chị Nguyễn Thị Mão, bầu không khí u buồn, ảm đạm vẫn bao trùm lên gia đình.

 

Chị Mão, trụ cột gia đình mất đi, cuộc sống của những người thân bỗng chao đảo. Chị Mão ra đi cũng mang theo một bí mật bị chôn vùi, bởi cho đến thời điểm này anh Đính cũng không hề biết khoản tiền 270 triệu đồng và 3 cây vàng mà cả đời anh chị “ăn dè, hà tiện” tích cóp được đang ở đâu, ai là người cất giữ? Ngày 22/4, anh Đính bàn với chị Mão gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất. Khi anh nhắc đến chuyện tiền nong, mặt chị Mão thoáng biến sắc.

 

Anh Đính biết chắc chắn có chuyện gì đó đã xảy ra, anh gặng hỏi nhưng chị Mão cứ giấu giếm, sau đó thì trì hoãn bằng cách đưa ra các lý do như không biết để chìa khóa két ở đâu… Sau khi anh Đính đập vỡ két sắt thì chị Mão cũng bỏ nhà đi hàng tuần, rồi trở về nhà vào ngày 30/4, trong tâm trạng vô cùng mệt mỏi. Anh Đính hỏi thì chị Mão nói là đi chơi ở Quảng Trị, số tiền và vàng vẫn còn và hẹn đến sáng 2/5…

 

Tờ mờ sáng 2/5, anh Đính chợt tỉnh giấc. Khi sang giường cháu nội, anh Đính không thấy chị Mão đâu cả, lúc đó cửa nhà vẫn khóa trái. Anh vội chạy xuống bếp, nhà vệ sinh nhưng không thấy vợ đâu. Khi tới tầng tum, anh và các con kinh hãi khi thấy chị Mão đã treo cổ.

 

Trở lại Đan Phượng, địa bàn từng là tâm điểm của cơn bão tín dụng đen, gần một năm sau vụ vỡ nợ đi qua, chúng tôi không khỏi xót xa! Thị trấn Phùng, từng một thời sầm uất là thế giờ buồn hắt hiu, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh theo đà suy giảm của kinh tế cũng bị ngưng trệ; các “đại gia” một thời cũng trong tình trạng “dở sống, dở chết” hoặc làm ăn cầm chừng.

 

Tất cả đều hy vọng rằng, giá nhà đất xoay chiều, có như vậy họ mới có hy vọng trả nợ. Bởi nếu trước đây những mảnh đất nằm ở thị trấn Phùng có giá vài tỷ đồng thì bây giờ chỉ còn lại 1/2 hoặc 1/3 giá trị nhưng bán cũng chẳng có người mua. Phía sau các vụ vỡ nợ tiền tỷ còn kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng. Sau khi vợ chồng Quang-Quyên bị bắt, các dây nợ khác cũng vỡ theo.

 

Theo thông tin từ Công an huyện Đan Phượng thì đến ngày 10/7, Đội Cảnh sát ma túy và kinh tế Công an huyện đang thụ lý gần 40 đơn thư của những người bị hại gửi đến tố cáo. Nhiều người bây giờ đang sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" vì khi làm thủ tục vay tiền đã ký hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ của gia đình cho các chủ nợ… tình cảnh thật vô cùng bi đát.

 

Không ồn ào như vụ Nguyễn Thị Cúc với khoản đổ bể lên tới hơn 233 tỷ, những ngày này, tại thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên) - cũng là một trong các tâm điểm của cơn bão tín dụng đen hơn một năm trước - các vụ vỡ nợ đã và đang diễn ra nhưng âm ỉ hơn. Biết rằng việc vay tiền chỉ mang tính dân sự nên nhiều người cho vay buộc phải chấp nhận hoàn cảnh, họ dùng tình cảm để đến vận động các con nợ mong gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy. Số khác thì vì tiếc của đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an...

 

 Theo Báo CAND