Mua bán trực tuyến: Tiền mất... bực mang

09:28, 23/08/2012

Mua bán trực tuyến - một hình thức của thương mại điện tử - đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, trong khi chợ trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa thì việc quản lý hoạt động trong lĩnh vực này gần như bị thả nổi. Kết quả là nhiều người mua chịu cảnh tiền mất… bực mang bởi bên bán rắp tâm vì "nén bạc" mà “đâm toạc” cam kết. Dù tiện lợi song rõ ràng mua bán trực tuyến đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro mà hầu hết trường hợp, người mua gánh chịu.

Khách hàng vãng lai… kể khổ

 

Vốn là người “bảo thủ, chậm tiến” về công nghệ nên chị Phạm Thị Thủy (CT9 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), kế toán một công ty lớn, khá thờ ơ với kiểu mua bán trực tuyến. Nhưng nghe đồng nghiệp rôm rả với nhau suốt ngày, chị Thủy cũng quyết định thử nghiệm một phen. Gia đình đang cần cái ấm đun nước siêu tốc phục vụ ông chồng ngày tiêu thụ cả lạng trà, chị Thủy mò mẫm lên mạng. Sau một hồi nghiên cứu, chị Thủy quyết định mua một chiếc được quảng cáo giá chỉ 165 nghìn đồng trong khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường - cũng theo quảng cáo - là 320 nghìn đồng tại địa chỉ http://www.cung mua.com/khuyen-mai/ha-noi/nhanh-chong-va-tien-loi-cho-mot-am-tra-nong-hay-mot-coc-ca-phe-thomphuc-voi-am-sieu-toc-cuckoo-18-lit-chi165000d-cho-tri-gia 320000d762DACD2E3744897. Không những rẻ, chị Thủy còn được người bán mang đến tận công ty, không mất tiền vận chuyển. Khổ nỗi, sản phẩm mua trực tuyến đầu tay lại không được… thọ. Sau vài lạng trà của ông chồng thì ấm không chạy, chị Thủy gọi điện lại cho nhà cung cấp thì câu trả lời là họ tiếp nhận ý kiến của chị, còn việc sửa chữa, thay thế sản phẩm trong thời hạn bảo hành là không thể. Bực mình, chị Thủy lên mạng tìm hiểu thì hóa ra sản phẩm Cuckoo trên là đồ Trung Quốc giả mạo và đành ngậm ngùi tiền mất… bực mang. Cũng ở hoàn cảnh tương tự nhưng chị Đặng Châu Huyền (cũng ở CT9 Định Công) còn bực hơn nhiều. Là phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán, chị đi suốt ngày, hầu như không có thời gian mua sắm. Đến khi nghe chị em kể, chị Huyền cũng quyết định mua một lô mỹ phẩm L’Oréal trị giá hơn chục triệu đồng qua một trang mạng. Dùng thử, chị Huyền bị dị ứng. Chị gọi điện lại cho người bán thì được nghe giải thích lấp liếm, qua loa. Nửa tin nửa ngờ, chị Huyền gọi thẳng đến trung tâm chăm sóc khách hàng của L’Oréal và thừ người ra khi biết mình mua phải hàng giả.
  

Tuy nhiên, không phải chỉ có những khách hàng vãng lai (chợ trực tuyến) như chị Thủy, chị Huyền gánh chịu hậu quả…

 

Khách hàng “ruột” cũng… lĩnh đủ

 

Các chợ trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa. Có thể kể đến hàng loạt cái tên như muare.vn, hotdeal.vn, cungmua.com… Số khách hàng thân thiết của loại hình kinh doanh này cũng ngày một nhiều. Tuy vậy, ngay cả những người mua bán sành sỏi cũng nhiều lần bị hớ, thậm chí bị lừa.

 

Anh Lê Hồng Quân (Quang Trung, Hà Đông), đúng “dân IT”, có thâm niên mua bán trực tuyến, kể có mua một chiếc điện thoại Galaxy Nexus ở địa chỉ http:// muare.vn/DienThoai-tel/p-5474... ngày 1-8. “Bên bán” nói máy mới 100%, “bên mua” được dùng thử một tuần và hẹn anh Quân giao dịch tại một quán cà phê. Anh Quân kiểm tra, thấy máy chạy tốt chỉ có điều quên kiểm tra máy lúc sạc pin. Đến lúc phải sạc, anh Quân phát hiện máy có biểu tượng sạc nhưng không vào điện, pin còn bị sụt. Liên lạc lại với người bán qua số 0989674xxx, kết quả là được… “chị tổng đài” trả lời “vui lòng gọi lại sau”.

 

Đồ công nghệ là ngành hàng được chào bán khá nhiều trên các chợ trực tuyến. Anh Đào Văn Tuyển, cán bộ Công ty HUD (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân), lại mua phải laptop rởm trên chợ online. Nghe người bán nói máy còn mới 95%, giá lại giảm tới 40%, anh Tuyển đã bỏ 8 triệu đồng để mua lại chiếc máy tính xách tay Sony Vaio. Chưa kịp mừng vì mua được món hàng với giá hời thì chiếc laptop chạy được ba ngày đã trở chứng. Gọi điện lại cho người bán nhưng không được, anh Tuyển đem laptop đi sửa thì phát hiện máy đã bị thay main…

 

Chợ trực tuyến muare.vn là nơi mua bán khá tấp nập đã lập hẳn một chuyên trang “phòng chống gian lận thương mại” nhằm bảo vệ thành viên. Ban quản trị muare.vn đã thông báo thông tin của các thành viên bị nghi ngờ làm ăn không uy tín, gian lận, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... đã bị cấm giao dịch vĩnh viễn trên muare.vn để thành viên biết. Cũng theo ban quản trị muare.vn, họ sẽ có các biện pháp nặng tay hơn đối với các hành vi buôn bán không trung thực. Danh sách đen mà muare.vn cập nhật dựa trên việc tuân thủ quy định của muare.vn và phản ánh của các thành viên - có đối chất với “nghi phạm”. Kết quả là có hàng loạt người bán bị vạch mặt chỉ tên như dangkyadslviettel.com, DT2sim, phongnhu, boxmobile (tên đăng ký tại chợ - PV)…

 

Trên thực tế, do số lượng chợ trực tuyến nhiều mà việc quản lý lại lỏng lẻo nên nhiều tiểu thương bị vạch mặt ở chợ này liền chuyển sang chợ khác hoạt động. Chẳng hạn, hai tiểu thương có tên lichvy_4ever1 và bv_4ever trên muare.vn chuyên bán hàng kém chất lượng trước đó đã có nhiều tai tiếng bên diễn đàn webtretho.com.

 

“Tuần tra” chợ trực tuyến chỉ có hiệu quả bắt cửa trước, còn kẻ vi phạm… luồn cửa sau nên nhiều người vẫn sập bẫy, kể cả khách hàng mua sắm trực tuyến chuyên nghiệp.

 

Cảnh giác kẻo tiền mất… bực mang

 

Theo một số chuyên gia kinh tế, những trang giao dịch mua bán online đang là các trang mạng bị lợi dụng lừa đảo nhiều nhất. Tuy mới ra đời được vài năm nay nhưng chủ các “nhà” mạng luôn có nguồn lợi ổn định từ việc thu phí tham gia của doanh nghiệp hoặc cá nhân đăng tải thông tin gian hàng và kinh doanh trên “chợ” của họ. Khi xảy ra nhiều sự cố có yếu tố lừa đảo qua mạng, các nạn nhân chất vấn nhiều câu hỏi như: Từ khi đăng ký, hàng hóa mà các doanh nghiệp, cá nhân tham gia có được kiểm tra chất lượng đầu vào hay không? Có là hàng thật hay trộn lẫn hàng giả? Hàng có đúng chất lượng như đăng ký? Bảo hành ở đâu, đổi sản phẩm bị lỗi ở đâu?... nhưng các chủ mạng đều chịu “bó tay “chấm”... com”. Rõ ràng là có quá nhiều vấn đề mà “chủ mạng” không thể kiểm soát được và vì thế rủi ro luôn thuộc về phía khách hàng.

 

Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn khá sơ khai và đang tồn tại nhiều kẽ hở dẫn đến gian lận, lừa đảo... Thiệt hại không chỉ có người mua. Nhiều nhà sản xuất, phân phối cũng than phiền về tình trạng này. Theo Trung tâm chăm sóc khách hàng L’Oréal, hầu như sản phẩm mang các thương hiệu của tập đoàn được rao bán trên các trang mạng này đều là sản phẩm giả, gây nguy hại sức khỏe và sự an toàn của người sử dụng. Đồng thời, tập đoàn này cũng chưa hề có chính sách kinh doanh qua mạng. Còn ông Phạm Quốc Vũ, Giám đốc ngành hàng điện gia dụng (Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái) cho biết, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hàng nhái, giả mạo sản phẩm Cuckoo trên một số “chợ trực tuyến”. Thậm chí, đơn vị này đã phải phản ánh thông tin đến cơ quan công an và quản lý thị trường để can thiệp.

 

Trên thực tế, đã có hẳn một hệ thống văn bản pháp luật tạo ra một hành lang pháp lý khá đầy đủ cho thương mại điện tử phát triển. Song theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đây vẫn là một lĩnh vực mới và phát triển nhanh nên có một số hoạt động và hành vi có thể chưa được chế tài nào… quy định. Việc ban hành nghị định mới về thương mại điện tử góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước là hoàn toàn cần kíp.