VKS đề nghị không giảm án cho cựu chủ tịch Vinashin

14:08, 29/08/2012

Trưa nay, đại diện VKSND Tối cao cho rằng không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt cùng mức tiền bồi thường với 8 bị cáo. Án phạt 20 năm tù của cựu tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình được đề nghị giữ nguyên.

Sau hơn một ngày thẩm vấn, trong phần luận tội, đại diện VKS tại phiên phúc thẩm khẳng định bị cáo Phạm Thanh Bình (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) phải chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm tại dự án mua tàu nghìn tỷ Hoa Sen, Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân. Cấp sơ thẩm đã xét đến tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như có nhiều thành tích xuất sắc khi đương nhiệm, gia đình có công với cách mạng... "Tuy nhiên, do hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 20 năm tù là không nặng", công tố viên nói.

 

Các bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương), ông Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu), Tô Nghiêm (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, Quảng Ninh), Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh), Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy), Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV CNTT, giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT), Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) cũng bị VKSND Tối cao đề nghị HĐXX bác kháng cáo vì không thấy không có căn cứ mới để giảm nhẹ mức án cùng số tiền phải bồi thường.

 

"Cấp sơ thẩm truy tố và quy kết tội danh, hình phạt, bồi thường với các bị cáo là không oan", địa diện VKS nói.

 

VKSND Tối cao nhận thấy, đối với dự án mua tàu Hoa Sen, Chính phủ chưa có chủ trương mua nhưng ông Bình với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ vẫn quyết định mua con tàu cũ trên. Khi mua, ông Bình và những người liên quan không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh, ban hành bảo lãnh vi phạm khi cấp hơn 1.296 tỷ đồng, vi phạm các quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng… "Ông Bình là người trực tiếp tham gia, đóng vai trò chủ mưu", phần luận tội nhấn mạnh.

 

Còn ông Liêm được xác định đã chỉ đạo mua tàu không đúng thủ tục cạnh tranh, mua trước khi dự án được Chính phủ phê duyệt. Bà Hậu không ký hợp đồng bảo lãnh, chưa ký kết hợp đồng tín dụng. Hậu quả từ sai phạm của những người có thẩm quyền này đã khiến việc mua tàu được cho là gây thiệt hại hơn 990 tỷ đồng. Ông Bình và ông Liêm chia nhau phải bồi thường khoản này.

 

Với dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), ông Bình bị VKS cho là đã chỉ đạo bị cáo Nguyên Văn Tuyên triển khai. Trong khi đợi cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, ông Tuyên đã khởi công xây dựng nhà máy với tổng giá trị dự án hơn 594 tỷ đồng. Sau đó, Bộ Công nghiệp cho rằng không có cơ sở pháp lý phê duyệt dự án do thiết bị công nghệ lạc hậu, và yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện. Thiệt hại tại dự án nhiệt điện Sông Hồng được xác định hơn 224 tỷ đồng.

 

Về các dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cái Lân (Quảng Ninh), bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, đại diện VKSND Tối cao nhận thấy cấp sơ thẩm quy kết trách nhiệm hình sự, dân sự của các bị cáo là không oan. "Riêng bị cáo Hậu, trong cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều một mực kêu oan, nhưng trong phần thẩm vấn đã chứng minh hành vi phạm tội của bà này", phần luận tội nêu.

 

Trước đó trong phần thẩm vấn, ông Bình cho rằng, việc kinh doanh thua lỗ là do điều kiện khách quan, kinh tế khủng hoảng. Các bị cáo đều khai những dự án trên vẫn có tương lai khả quan. “Về những số tiền thất thoát, nếu tôi còn ở bên ngoài, tôi sẽ có biện pháp để thu hồi vốn, phong tỏa tài sản”, bà Hậu trình bày.