Từng phản đối việc tiêm thuốc độc, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong số gần 500 người đang chờ thi hành án, nhiều người làm đơn xin được chết sớm nhưng Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc nhập loại thuốc này.
Chiều 26/10, tại buổi thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; thi hành án năm 2012, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, hiện Bộ Công an đã xây được 10 khu vực thử nghiệm tiêm thuốc độc, song chưa thể tiến hành vì không nhập được thuốc độc. Nguyên nhân là do, thuốc phải nhập qua EU, trong khi liên minh này đang yêu cầu Việt Nam bỏ án tử hình.
Theo ông Sơn, hiện số tử tù đã đến mức phải thi hành án lên đến gần 500 người. Nhiều tử tù làm đơn xin được chết sớm vì không muốn kéo dài cuộc sống, một số người đã chết trong trại giam vì bệnh tật và chờ đợi thi hành án quá lâu. Các giám thị gặp nhiều khó khăn và áp lực khi giám sát những người này.
Là người từng phản đối việc tiêm thuốc độc, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói, năm 2009 ông đã đặt câu hỏi việc này liệu có làm được không bởi việc tiêm thuốc không hề đơn giản và không phải cứ có thuốc là làm được ngay.
Ông Sơn cho hay, Thường vụ Quốc hội cho biết, tháng 5 - 6/2013 mới có thuốc độc nhưng sẽ phải mất thêm thời gian để thử nghiệm trước khi thực hiện. "Nếu không thi hành được việc tiêm thuốc độc thì không thể kéo dài mãi tình trạng này. Như vậy sẽ không mang tính răn đe và giáo dục...", Phó chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, sẽ kiến nghị để sửa đổi luật thi hành án bằng việc quay lại hình thức xử bắn. Ông gợi ý, khi xử tử tù nếu người bắn sợ bị ám ảnh thì có thể súng tự động.
Trước đó, tại phiên thảo luận năm 2009, một số hình thức áp dụng với tử tù đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra. "Có người đề xuất hình thức treo cổ, nhưng dã man quá. Cho ngồi ghế điện thì tàn nhẫn và đáng sợ, lại vẫn gây áp lực tâm lý cho phạm nhân và người thi hành án", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói và kết luận tiêm thuốc độc là hình thức tử hình nhân đạo nhất.
Còn Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, Luật thi hành án hình sự (có hiệu lực từ 1/7/2011) cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc. Các điều kiện đã sẵn sàng chỉ còn chờ Bộ Y tế nhập thuốc về. "Nếu gặp khó khăn, Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước để phục vụ kịp thời việc thi hành án tử hình", người đứng đầu ngành công an cho hay.
Theo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), mỗi năm phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng 80 - 100 người. Các tử tù chủ yếu phạm tội giết người cướp tài sản và buôn bán ma túy.
Theo Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 1/11/2011, thuốc tiêm được sử dụng gồm: gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng...