Một khoản nợ lớn chưa được đối chiếu bị nghi là nợ xấu lên đến hơn 30 tỷ đồng. Nếu số nợ chưa đối chiếu này được làm rõ là nợ xấu thì thực chất công ty đang lỗ chứ không phải là lãi hơn 16 tỷ đồng như báo cáo với các cổ đông.
Lãi hay lỗ?
Công ty cổ phần bê tông Hà Nội được thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 85 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước chiếm 28%, tương đương 23,8 tỷ đồng. Phần vốn của các cổ đông là tổ chức và cá nhân góp 72%, tương đương 61,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Thanh Sơn là Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Gia Dũng làm Tổng giám đốc.
Trong một diễn biến gần đây nhất, hai cổ đông của Công ty Vibex có đơn tố cáo các lãnh đạo công ty đã có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc huy động vốn mua nhà; sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước.
Theo phản ánh của các cổ đông tới các cơ quan chức năng và báo chí thì trong năm 2011, lãnh đạo Công ty Vibex báo cáo công ty lãi hơn 16 tỷ đồng là không có cơ sở. Thực chất, công ty chỉ có lãi khoảng 4,5 tỷ đồng. Bằng phương pháp cộng lãi của các đơn vị thành viên, các cổ đông cho rằng, số lãi hơn 16 tỷ đồng chỉ là lãi “khống”, có dấu hiệu của việc lãnh đạo công ty đã điều chỉnh giá lợi nhuận trong báo cáo tài chính lên 16 tỷ để “báo cáo thành tích”.
Các cổ đông đã viện đẫn ngay bản Báo cáo kiểm soát tính đến 31/12/2011 của Ban kiểm soát. Trong đó, đối với các khoản nợ phải thu hồi, con số nợ hiện nay rất lớn. Theo đó, các khoản nợ tạm ứng đến ngày 31/11/2011 là hơn 31 tỷ đồng, công ty mới đối chiếu và xác nhận nợ được hơn 6,7 tỷ đồng.
Các khoản nợ phải thu đến ngày 31/12/2011 là hơn 187 tỷ đồng, trong đó số công nợ chưa đối chiếu và xác nhận nợ là hơn 30,2 tỷ đồng. Những khoản nợ này đã bị nghi ngờ là xấu, nợ không có chủ nợ xác nhận. Cùng với đó là các chi phí sản xuất năm 2011 bị “treo”, chưa phân bổ vào giá thành nên số lãi mà Ban giám đốc báo cáo với các cổ đông chỉ có thể là “lãi ảo”.
Với số nợ chưa xác nhận rất lơn trên nhưng, năm 2011, Công ty Vibex mới trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu trên với số tiền ít ỏi là 5,91 tỷ đồng. Vì thế, cuối năm 2011, lợi nhuận của công ty vẫn đạt hơn 16 tỷ theo như báo cáo của Ban giám đốc. Thực chất, con số trên không đáng tin và nếu đem so sánh với số nợ chưa được đối chiếu để trích lập dự phòng theo quy định thì năm 2011, công ty bị lỗ chứ không phải lãi.
Trong đơn tố cáo, các cổ đông đặt câu hỏi, với việc báo cáo chưa chính xác trên về tình hình sản xuất kinh doanh thì có hay không việc thất thoát vốn của cổ đông, đặc biệt là cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp này?.
Bán nhà trên giấy?
Cũng theo phản ánh của các cổ đông, trong năm 2011, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty đã ban hành Nghị quyết số 13 (ngày 11/8/2011) huy động vốn tại dự án nhà NO1 – T2 – Khu ngoại giao đoàn, có nhiều sai phạm, nhằm trục lợi cá nhân. Nghị quyết này cho phép huy động vốn và bán nhà tại dự án này cho cán bộ chủ chốt của công ty. Sau nghị quyết này, Tổng giám đốc ra tiếp văn bản huy động vay vốn đợt 2 cho các đối tượng là phó phòng và phó giám đốc các xí nghiệp.
Điều đặng biệt, mặc dù đều là huy động vốn cho dự án nhà ở, nhưng nghị quyết do Chủ tịch HĐQT ký lại có mức giá khác với thông báo của Tổng giám đốc doanh nghiệp. Trong đó, “chỉ đạo” của Chủ tịch HĐQT là giá bán dự kiến được thực hiện theo giá thành xây dựng cộng với 5% lợi nhuận. Trong khi đó, mức giá của Tổng giám đốc lại được ấn định “chi phí đầu tư + thuế VAT + 7% lãi định mức”!.
Mặc dù đã rầm rộ huy động vốn cho dự án, tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, đến nay dự án “nhà cao tầng” này vẫn là bãi đất hoang, dù dự án đã được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội bàn giao mặt bằng đã hơn hai năm. Qua mấy lần huy động vốn, dự án nhà ở đã bán gần hết sản phẩm. Việc huy động vốn tại dự án N01 – T2 thực chất là “bán nhà trên giấy”, trong khi đó cáo buộc cũng nói rằng lãnh đạo doanh nghiệp này đã giá bán lại không tuân theo quy định của pháp luật, có việc gia đình trong công ty “vợ mua một căn, chồng mua một căn”.