Những vi phạm có thể bị “giam” xe

11:14, 25/11/2012

Khi bị lập biên bản vi phạm về giao thông (GT), người ta sợ nhất là bị “giam” xe, thậm chí còn sợ hơn bị phạt tiền. Lý do: cái xe không chỉ là đôi chân mà có thể còn là cần câu cơm của cả nhà và vừa mất tiền “gửi” xe, vừa không thể yên tâm. Vì vậy mà người ta tìm mọi cách, kể cả việc hối lộ, để không bị giữ xe, hoặc nếu xe đã bị tạm giữ thì cố gắng “chạy” lấy ra...  

Không quy định hình thức phạt bổ sung là giam xe, song để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã cho phép người có thẩm quyền xử phạt tùy “tình hình” thực tế để quyết định tạm giữ xe đến 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt, nếu lái xe có vi phạm. Những vi phạm “áp dụng” chung cho các loại xe cơ giới gồm: không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên; không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển GT khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc GT; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển GT hoặc người kiểm soát GT; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát GT hoặc người thi hành công vụ.

 

Ngoài những “nét” chung đó, là “phần” riêng của các loại xe:

 

Lái xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (không cần phải có định lượng); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu GT; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; không có giấy đăng ký xe, đăng ký rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc theo quy định; không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn; điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định; xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sử dụng sổ chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy; ôtô kinh doanh vận chuyển hành khách chở vượt trên 50% số người quy định được phép chở; xe chở khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn.

 

Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự: Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; lái xe có những vi phạm khác mà gây tai nạn, hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, hoặc chống người thi hành công vụ.

 

Ngoài ra là rất nhiều những vi phạm khác liên quan đến độ tuổi của người điều khiển phương tiện; giấy phép lái xe; chở quá tải, quá khổ; cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ...

 

Và, để bảo đảm việc xử phạt vi phạm, người có thẩm quyền còn có thể quyết định tạm giữ xe vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Khi xe bị tạm giữ, chủ xe phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng xe khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa vốn được chở trên xe bị tạm giữ.