Sau vụ tai nạn giao thông làm chết một học sinh, người ta mới phát hiện người gây tai nạn bị cụt chân nhưng vẫn được cấp giấy phép lái xe. Chuyện xảy ra ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Theo hồ sơ vụ án, lúc 18g45 ngày 13-2-2012, Lê Ngọc Tấn (27 tuổi, trú P.Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) chạy xe máy trên đường Trần Phú thì tông vào em Võ Ngọc Lĩnh (17 tuổi) đi xe đạp cùng chiều làm em chết sau đó do chấn thương sọ não. Công an TP Tam Kỳ đã khởi tố Lê Ngọc Tấn về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ngày 17-12, TAND TP Tam Kỳ đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Tấn 12 tháng tù cho hưởng án treo, đồng thời phải bồi thường 99 triệu đồng cho gia đình người bị hại.
Sau khi gia đình nạn nhân yêu cầu làm rõ, công an đã điều tra, xác nhận Lê Ngọc Tấn bị cụt chân phải (tới gối) nhưng ngày 16-7-2010 vẫn được bác sĩ N.H.Đ. (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để học, thi lấy giấy phép lái xe. Tấn đã đăng ký thi lái xe và đến ngày 3-8-2010 được cấp giấy phép lái xe do ông Trần Thanh An, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, ký.
Sáng 19-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh An cho biết sở chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe của Tấn, còn trong quá trình thi sát hạch thì sở không phát hiện được Tấn cụt chân.
Ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng phòng quản lý vận tải và công nghiệp (Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam) - đơn vị trực tiếp phụ trách việc thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nói đơn vị chỉ tiếp thu và rút kinh nghiệm. Bởi theo quy định của pháp luật, khi người có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp là đảm bảo sức khỏe thì được học và thi sát hạch giấy phép lái xe. “Trước đây chúng tôi đã phát hiện một vài trường hợp có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo của cơ sở y tế nhưng bị mất một ngón tay nên trả hồ sơ. Nói thật chứ việc xác định người thi có khuyết tật hay không cũng rất khó, cán bộ sát hạch chỉ nhìn bằng mắt chứ không có quyền bóp tay bóp chân người ta để kiểm tra thật hay giả. Còn trường hợp anh Tấn mặc quần dài làm sao phát hiện được” - ông Toàn lý giải.
Liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy khám sức khỏe cho Lê Ngọc Tấn, bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nắm rõ vụ việc. Ông Ẩn nói trước đây công tác khám sức khỏe được bệnh viện ủy quyền cho bác sĩ Đ. nhưng hiện nay bác sĩ Đ. đã nghỉ hưu, vì vậy ông sẽ cho kiểm tra lại việc này.
Khi được hỏi vì sao bị cáo Tấn được hưởng mức án khá nhẹ (12 tháng tù treo), ông Đặng Quốc Lộc, chánh án TAND TP Tam Kỳ, nói: “Đây là một vụ án chưa có trong tiền lệ, người bị khuyết tật cụt chân được cấp bằng lái. Bị cáo Tấn là cán bộ đang công tác tại Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam. Bị cáo được xem xét giảm nhẹ là vì thuộc đối tượng điều khiển phương tiện giao thông có bằng lái và nhân thân tốt”.
Ông Võ Ngọc Quang, cha của nạn nhân Lĩnh, nói trong tiếng khóc nức nở khi nhắc đến cái chết của con mình: “Con tôi ngoan hiền, học giỏi, đi xe đạp đúng phần đường mà lại chết oan. Gia đình chúng tôi quá đau khổ nên bù đắp bao nhiêu cũng không đủ, tôi cũng không muốn bị cáo Tấn phải vào cảnh tù tội. Nhưng ai đã tiếp tay để bị cáo Tấn có được bằng lái xe cần phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý nghiêm”.