Ngăn chặn và xử lý nghiêm tội phạm "tín dụng đen"

10:22, 05/12/2012

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự bảo đảm của pháp luật dạng "tín dụng đen" diễn ra rất phức tạp. Ðã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật trong khi giải quyết tranh chấp như: xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, cướp tài sản... ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự, gây bất bình trong xã hội.

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến tháng 6-2012, trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 4.300 vụ việc phạm tội liên quan tội phạm "tín dụng đen". Trong đó, có 31 vụ giết người, 218 vụ cố ý gây thương tích, 338 vụ cướp tài sản, 689 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 1.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gần 1.900 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 54 vụ hủy hoại tài sản...

 

Tại 18 địa bàn trọng điểm xảy ra hơn 2.000 vụ liên quan tội phạm "tín dụng đen". Riêng năm thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, xảy ra 18 vụ gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

 

Theo điều tra của lực lượng cảnh sát hình sự trong toàn quốc, các vụ án liên quan hoạt động "tín dụng đen" có một số đặc điểm sau: đây là hoạt động giao dịch ngầm, không thể hiện bằng văn bản, thường cho vay theo kiểu tín chấp, không có tài sản cầm cố. Các vụ vỡ nợ liên hoàn xảy ra trong thời gian qua, là hệ quả của một thời gian dài công tác quản lý hoạt động tín dụng tư nhân bị buông lỏng. Do lãi suất cao, cho nên nhiều người hám lời đã cho vay với số tiền lớn bất chấp những rủi ro. Ðáng chú ý, lợi dụng sơ hở của pháp luật, các đối tượng đã chuyển hóa việc vay nợ bằng phương thức mua bán, thế chấp tài sản có giá trị (nhà, đất, xe ô-tô) với giá thấp có công chứng hoặc buộc nạn nhân phải làm thủ tục bán số tài sản này cho đối tượng, nhằm hợp pháp hóa việc cho vay. Sau đó, chúng cho nạn nhân thuê lại trong thời gian ngắn, để thuận lợi cho việc chiếm đoạt, nếu con nợ đến hạn không có khả năng thanh toán.

 

Có thể liệt kê một số vụ việc điển hình liên quan "tín dụng đen" như: tại Hà Nội, với thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm, Nguyễn Thị Cúc, ở Phú Xuyên chiếm đoạt 200 tỷ đồng và Nguyễn Thị Dậu, ở Hà Ðông chiếm đoạt 200 tỷ đồng; tại TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Hoàng Hoa vay tiền của nhiều người với lãi suất cao, ban đầu trả vốn và lãi đúng hẹn. Sau đó vay với số tiền lớn rồi tuyên bố vỡ nợ số tiền gần 500 tỷ đồng; tại Quảng Bình, Dương Thị Thúy Hà lợi dụng lòng tin của một số người hám lời, đã dùng chiêu thức vay trả lãi suất cao từ 20 đến 30%/tháng, chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Sau đó, Hà tuyên bố vỡ nợ rồi bỏ trốn... 

 

Theo cơ quan công an, đối tượng cho vay "tín dụng đen" rất đa dạng. Ðó là những băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi được tổ chức chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với con nợ và gia đình họ, để thu hồi các khoản tiền lãi "cắt cổ" và nợ gốc. Các vụ cho vay nặng lãi chỉ bị phát hiện khi nó biến thành các tội danh như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Ðiều đáng nói là thủ tục chúng cho vay thường lỏng lẻo, không phức tạp như ngân hàng, khiến nhiều người tìm đến "tín dụng đen". Mặt khác, số đối tượng vay mượn tiền, tài sản thường tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn với lý do "kinh doanh". Thực tế, nhiều vụ đối tượng vay tiền, lại sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu... Một số khác vay tiền với lãi suất cao để kinh doanh, nhưng bị thua lỗ, thâm hụt vốn, không có khả năng trả nợ cho nên đã bỏ trốn. Dẫn đến tình trạng các đối tượng cho vay lãi đã trực tiếp hoặc thuê côn đồ đến đe dọa, ném chất bẩn vào nhà, tụ tập đông người trước nhà người vay tiền để gây áp lực về tinh thần, gây hoang mang, lo sợ hoặc bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản để ép trả nợ. Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí nóng để uy hiếp, thậm chí giết người, khi đến yêu cầu người vay tiền trả lại số tiền đã vay, như trường hợp Ðồng Cao Cường, trú tại phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội) cùng đồng bọn đã dùng súng bắn chết chị Nguyễn Thị Liên, tại địa chỉ 488 phố Xã Ðàn, Kim Liên (Hà Nội). Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự vừa nhận được đơn tố cáo của một gia đình ở tỉnh Hải Dương, phản ánh việc gia đình chị có hai ngôi nhà ở Hà Nội, vì không có hộ khẩu cho nên nhờ anh trai đứng tên giấy tờ mua nhà và làm sổ đỏ. Do thua cờ bạc, bị ép nợ, người anh trai này đã đem giấy tờ của hai căn nhà thế chấp vay "tín dụng đen" của một đối tượng núp bóng một công ty TNHH cho vay lãi suất "khủng" 240 triệu đồng/tháng, khi vay 900 triệu đồng. Do lãi suất quá cao, người vay mất khả năng chi trả, đối tượng cho vay đã ngang nhiên chiếm đoạt hai ngôi nhà trị giá khoảng bốn tỷ đồng (vào thời điểm này).

 

Có thể thấy, hậu quả do tội phạm liên quan "tín dụng đen" gây ra rất nặng nề về kinh tế, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... của không ít người đi vay hoặc cho vay. Trước khi bỏ trốn, các con nợ bằng mọi cách tẩu tán tài sản hoặc che giấu tài sản bị chiếm đoạt như bán, chuyển nhượng tài sản cho người khác, chuyển tiền vào ngân hàng..., cho thấy thủ đoạn của các đối tượng vỡ nợ rất tinh vi và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đến cùng, trước và trong khi hành vi phạm tội bị phát giác. Loại tội phạm này đã gây mất ổn định về an ninh trật tự, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, chính quyền.

 

Trước tình hình  tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tập trung chỉ đạo các lực lượng công an trong cả nước điều tra làm rõ, khởi tố 4.139 trong số 4.327 vụ (đạt 95%), 8.885 bị can; kết thúc điều tra 4.041 vụ, 8.731 bị can; bắt giữ 56 băng nhóm, gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.

 

Ðể ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm "tín dụng đen", trước mắt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa để người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, không nên cho vay "tín dụng đen" dễ sa vào tình trạng "tiền mất, tật mang". Ðối với lĩnh vực quản lý nhà nước, Sở Kế hoạch và Ðầu tư ở các địa phương nên kiểm tra năng lực tài chính, quy mô sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp trước khi cấp giấy phép kinh doanh, tránh để đối tượng lợi dụng giấy phép kinh doanh huy động vốn tràn lan nhằm mục đích lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về phía lực lượng công an cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp mạnh các băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen"; tập trung điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, uy hiếp người vay tiền, sử dụng chất nổ, xăng, chất bẩn... để giải quyết mâu thuẫn trong thanh toán, đòi nợ, nhằm ngăn chặn tội phạm "tín dụng đen" không gây hậu quả xấu đối với xã hội.