Tìm giải pháp mạnh ngăn chặn lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

16:25, 13/12/2012

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Hà Nội đang đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu trình Chính phủ có biện pháp ngăn chặn hiện tượng lao động bỏ trốn không về nước bằng cách giữ tiền lương của người lao động, khi nào về nước mới được nhận số tiền đó và mới được hưởng lãi suất ngân hàng.

 

Thiệt đơn, thiệt kép

 

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, việc người lao động hết hạn hợp đồng không về nước và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là vi phạm hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động, vi phạm pháp luật của Hàn Quốc, đồng thời vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu lao động, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và có thể dẫn đến việc nước này hạn chế hoặc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.

 

Theo thống kê của Hàn Quốc, tỉ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp khoảng trên 50%, trong khi tỉ lệ chung của lao động nước ngoài thuộc 15 nước làm việc tại Hàn Quốc chỉ ở mức 20%. Đây có thể là lý do chính dẫn đến việc Hàn Quốc chưa ký gia hạn bản ghi nhớ đã hết hạn để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ nói trên. Việc chưa ký lại bản ghi nhớ tác động rất lớn đến tình hình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc trong khuôn khổ chương trình EPS, có nghĩa là sẽ không có việc tổ chức kiểm tra tiếng Hàn cho những người có nguyện vọng đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc cho đến khi bản ghi nhớ được ký lại.

 

 

Hơn 12.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc của những lao động đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2010 và cuối tháng 12/2011 đã được đưa lên mạng của phía Hàn Quốc cũng sẽ không được giới thiệu để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, kể cả những lao động vừa tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính cuối tháng 8/2012 vừa qua để đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Ông Choi Byung Gie, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam đã chia sẻ tại hội nghị: Lý do cơ bản lao động Việt Nam sang Hàn Quốc ở lại làm việc bất hợp pháp chính là sự khác biệt về mức lương. Mức lương làm việc tại Hàn Quốc cao gấp 4-5 lần mức lương các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam trả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cũng rất thích chọn tuyển dụng những lao động Việt Nam có kinh nghiệm làm việc 5 năm. Các doanh nghiệp này có khuynh hướng tuyển những lao động bất hợp pháp mặc dù biết rõ tình trạng cư trú của những người này nhưng vì họ rất khó tuyển được những lao động lành nghề với mức lương thấp.

 

Cần chế tài xử phạt mạnh tay

 

Về phía Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu UBND 11 tỉnh, thành phố có số lượng lao động hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các ban ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động; tổ chức vận động, tư vấn đến từng gia đình cam kết vận động con em thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

 

 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, Hà Nội có 659 lao động cư trú bất hợp pháp, riêng huyện Đông Anh có 68 lao động, nếu số này vẫn tiếp tục cư trú bất hợp pháp thì hồ sơ của 464 lao động Hà Nội còn hiệu lực trên mạng sẽ không còn cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Cũng theo ông Hùng, Hà Nội đang đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu trình Chính phủ có biện pháp ngăn chặn hiện tượng lao động bỏ trốn không về nước bằng cách giữ tiền lương của người lao động, khi nào về nước mới được nhận số tiền đó và mới được hưởng lãi suất ngân hàng.

 

Đại diện một số xã của huyện Đông Anh như xã Đông Hà, Uy Nỗ đã đề xuất một số giải pháp như: Với những lao động có trình độ và tay nghề khi về nước cần được tạo điều kiện để các cháu đi Hàn Quốc tiếp, văn bản hướng dẫn đi như thế nào, lệ phí ra sao phải rất cụ thể để tránh tham nhũng trong xuất khẩu lao động. Nếu 3-6 tháng tuyên truyền mà các lao động không về nước thì phải có giải pháp hành chính, có thể đánh vào tiêu chí “thôn văn hóa”, xã “văn hóa”, gia đình văn hóa trên địa bàn. Một đề xuất khác, với những địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp từ 25 người trở lên thì tạm dừng việc xuất khẩu lao động đối với người dân ở địa phương đó.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước cho biết, Bộ đang trình Chính phủ những giải pháp mạnh để siết chặt lại kỷ cương trong xuất khẩu lao động, những lao động bỏ trốn ở lại sẽ bị cấm xuất cảnh 5 năm. Mục tiêu của chúng ta là giảm 30% lao động bỏ trốn ngay trong quý I-2013.