Đó là nội dung được Bộ Giao thông vận tải đề xuất trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và giao thông đường thủy nội địa vừa được công bố lấy ý kiến nhân dân.
Dự thảo quy định rõ: Đối với hành vi tàu thuyền không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu hoặc vượt quá mức cho phép của trang thiết bị cứu sinh trên tàu theo quy định; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng theo quy định sẽ bị xử phạt từ 10 - 40 triệu đồng, tùy dung tích tàu thuyền.
Hành vi chở hàng vượt trọng tải cho phép sẽ bị phạt từ 20 - 80 triệu đồng. Còn hành vi chở khách quá số lượng quy định sẽ bị phạt từ 5 - 80 triệu đồng, tùy số lượng khách chở quá quy định và dung tích tàu thuyền.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 30 - 100 triệu đồng. (K4 Điều 23)
Đối với vi phạm quy định về trách nhiệm của chủ tàu, người quản lý, khai thác tàu đối với tàu thuyền và thuyền viên, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho thuyền viên làm việc trên tàu; hoặc không cung cấp kinh phí cho thuyền viên hồi hương, không bố trí thời gian nghỉ ngơi cho thuyền viên làm việc trên tàu trong năm theo quy định.
Đồng thời, phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với mỗi hành vi không cung cấp đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu đảm bảo duy trì hoạt động cho tàu khi đang khai thác tàu. (Điều 29)
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đề xuất mức phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với chủ cơ sở, cá nhân hành nghề đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện có hành vi xả chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Phạt tiền từ 6 - 7 triệu đồng đối với chủ cảng, bến thủy nội địa hành vi xả chất thải không đúng nơi quy định hoặc gây ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa. (Điều 40).