Những ngày đầu xuân, chúng tôi “nối mạng” với anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, anh tâm sự những chuyện đáng nhớ trong quá trình thực hiện công tác tư pháp trên đảo Sinh Tồn.
Những kỷ niệm không bao giờ quên
Sinh ra tại một làng quê nghèo ngay chân đèo Phượng Hoàng (giáp ranh giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc), sau khi tốt nghiệp Trung cấp Pháp lý (K28 -Trường Đại học Đà Lạt), anh Cao Văn Giáp (SN 1984 tại thôn Lam Sơn, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) về lại quê hương tham gia công tác đoàn tại xã Ninh Sim.
Đầu năm 2008, Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM tỉnh Khánh Hòa kêu gọi thanh niên trong tỉnh tình nguyện ra công tác tại huyện đảo Trường Sa, anh Giáp tình nguyện đăng ký. Và thế là mùa hè năm 2008 anh vinh dự lên đường nhận nhiệm vụ tại xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, phụ trách các lĩnh vực tư pháp, an ninh quốc phòng, giáo dục và kiêm luôn làm giáo viên tiểu học.
Anh thường xuyên đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức, văn hóa và kỹ năng sống cho các “công dân nhí” trên xã đảo Sinh Tồn. Còn những công việc khác đối với anh đều hết sức mới mẻ, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp, nhưng do đã có 30 tháng học Trung cấp Pháp lý cộng với bản tính cầu thị, chịu khó, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên mọi công việc cũng dần đi vào ổn định, nắm bắt kịp thời với công việc của một cán bộ chuyên trách ngành Tư pháp - Hộ tịch tại một xã đảo.
Sinh Tồn là một xã đảo đặc thù nên ngoài tư vấn pháp luật cho người dân, công tác hòa giải ở cơ sở cũng là nhiệm vụ thường xuyên của người cán bộ tư pháp.
Công việc này đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm, trong đó có nhiều phen đã “cười ra nước mắt”: Có trường hợp người dân nghi kỵ lẫn nhau chỉ vì bị mất đôi gà hay chú chó khiến cán bộ tư pháp phải vào cuộc cùng với các hộ dân “truy tìm thủ phạm”…
Trong khi công việc chưa đạt kết quả thì mấy ngày sau đó, những vật nuôi này đã lần lượt trở về do đi lạc, thế là mọi người nhìn nhau cười xòa.
Trao đổi với chúng tôi qua email, anh Giáp cho biết: Tuy là một xã đảo không có nhiều dân cư như trong đất liền, nhưng công việc ở xã đảo Sinh Tồn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác của anh trên đảo.
Anh luôn xác định việc tư vấn pháp luật, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong xã là một việc làm cấp thiết, nhất là trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp vừa qua. Do có sự chuẩn bị chu đáo của xã cũng như sự tham mưu kịp thời của cán bộ tư pháp đã góp phần đáng kể trong cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp.
Giá như… thời gian quay lại
Tuy thiếu thốn về vật chất, kiến thức pháp luật còn hạn chế, nhưng anh Giáp luôn tìm tòi học hỏi, tự nghiên cứu thêm các loại sách pháp luật để nâng cao trình độ, nhằm giải quyết công việc một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hơn 4 năm qua (2008 – 2013), mặc dù tỷ lệ sinh đẻ ở xã Sinh Tồn đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch, nhưng tất cả các cháu bé ra đời đều được cán bộ tư pháp xã làm giấy khai sinh, đăng ký vào sổ hộ khẩu gia đình một cách đầy đủ và kịp thời.
Là Phó Chủ tịch xã nhưng do kiêm nhiệm nhiều việc nên người dân thường gọi anh là “anh Phó Chủ tịch”, có lúc lại gọi là “ông Tư pháp”. “Không phải vì tôi quá già, mà vì có bất cứ chuyện gì liên quan đến pháp luật là người dân lại tìm tôi nhờ tư vấn, nhất là việc hòa giải mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng, hay hàng xóm láng giềng với nhau…” anh Giáp giải thích.
Tuy nhên, khi tiếp xúc và thực hiện công tác hòa giải cho người dân, anh đã nhận ra một điều hết sức thú vị. Đó là người dân trên đảo ai cũng tốt bụng, chất phác và lương thiện, cần cù lao động, nhưng người nào cũng có lòng tự ái riêng của họ. Do đó, công tác hòa giải trước hết là phải xoa dịu được sự tự ái trong cá nhân mỗi con người, sau đó mới đến phân tích điều hay, lẽ phải, có như vậy công tác hòa giải mới đạt hiệu quả cao.
Nhiệm kỳ hoạt động trên đảo Sinh Tồn sắp hết, rất nhiều những kỷ niệm đẹp đã để lại trong lòng của người dân và của cả cán bộ làm công tác tư pháp trên đảo. Giá như có một điều ước của phép mầu nhiệm cho thời gian quay trở lại, để những cán bộ làm công tác tư pháp này được ở lại lâu hơn nữa với người dân trên quần đảo Trường sa. Đây là một trong những điều mong ước mà anh Giáp đã tâm sự.