"Tại hiện trường công an đã tìm thấy nhiều đạn, vỏ đạn và cả súng quân dụng. Điều này cho thấy việc mua bán vật liệu cháy nổ không được kiểm soát tốt", thiếu tướng Trần Anh Dũng nói.
Sáng 26/2, tại buổi họp báo tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 15, thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Bộ Công an) thừa nhận, các vụ cháy nổ đang diễn ra phức tạp, chất gây cháy đa dạng từ xăng, dầu, gas đến vũ khí. Mặc dù từ năm 2010 Quốc hội đã ban hành pháp lệnh quản lý vũ khí, quyết định của Thủ tướng về cứu nạn cứu hộ, nhưng thực tế nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa chấp hành tốt.
Dẫn ra vụ nổ nghiêm trọng tại gia đình ông "Phương khói lửa" ở TP HCM làm nhiều người thiệt mạng, thiếu tướng Dũng cho biết tại hiện trường công an đã tìm thấy nhiều đạn, vỏ đạn và cả súng quân dụng. Điều này cho thấy việc mua bán vật liệu cháy nổ hiện nay không được kiểm soát tốt.
Một lý do nữa, theo ông Dũng, ở Việt Nam, vật liệu cháy nổ rất phức tạp bởi qua chiến tranh, vũ khí còn tồn tại trong dân nhiều. Biên giới đất nước lại dài nên vũ khí từ nước ngoài dễ dàng tràn vào. Thế nhưng mức phạt dành cho những hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Hiện nay, ở trong khu dân cư, cán bộ chuyên trách đã tuyên truyền phòng chống cháy nổ thông qua nội quy, lực lượng dân quân tại chỗ, các đội chữa cháy cơ sở... Phương án phòng chống cháy nổ trong khu dân cư cũng được tập huấn thường xuyên. "Tuy nhiên, sắp tới các bộ, ngành theo chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chịu trách nhiệm để giúp nhà nước quản lý lĩnh vực này", ông Dũng nói.
Theo thống kê của Cục phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong năm 2012, toàn quốc xảy ra gần 1.800 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 155 vụ cháy rừng làm 73 người chết, hơn 130 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính 1.100 tỷ đồng và 650 ha rừng. Cả nước cũng xảy ra 29 vụ nổ làm 11 người chết và 50 người bị thương, thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng.
Nguyên nhân được cho là do nhiều cơ sở và nhà dân sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa quan tâm đến phòng cháy chữa cháy, công tác phát hiện chưa kịp thời, chữa cháy kém hiệu quả, thông báo cho lực lượng chức năng còn chậm... Qua công tác kiểm tra, hơn 8.000 trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy đã bị xử lý hành chính, trong đó 27 trường hợp bị đình chỉ hoạt động.