Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc vừa ký Quyết định số 557/QĐ-TCHQ ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong ngành Hải quan.
Quy tắc ứng xử của ngành Hải quan quy định về chuẩn mực ứng xử, giúp công chức hải quan định hướng và tìm ra cách thức đúng đắn nhất khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, quan hệ với doanh nghiệp (DN) và người dân. Những quy tắc được đưa ra gồm: trách nhiệm cá nhân; tuân thủ pháp luật; chuẩn mực ứng xử trong cơ quan, đơn vị; chuẩn mực ứng xử với các cơ quan, DN và người dân; chuẩn mực ứng xử tại nơi cư trú; môi trường làm việc; sử dụng các tài sản và dịch vụ công.
Quy tắc đã đưa ra 7 chuẩn mực ứng xử của công chức hải quan với các cơ quan, DN và người dân, gồm:
Nắm vững quy định của pháp luật để xử lý công việc đúng với quy trình, quy định của pháp luật; có trách nhiệm giúp cơ quan, DN và người dân hoàn thành các nghĩa vụ và hưởng các quyền theo luật định.
Nhiệt tình, tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc; không trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc với các cơ quan, DN và người dân.
Tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích rõ ràng, tận tình, cụ thể về các quy định để các cơ quan, DN và người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Khi tiếp xúc với DN, người dân phải mặc chế phục, đeo thẻ công chức theo đúng quy định của ngành và có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực trong giao tiếp và ứng xử.
Công chức hải quan có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ, phản hồi nhanh chóng, giải quyết khẩn trương các ý kiến đóng góp, khiếu nại từ phía các cơ quan, DN và người dân.
Không nhận tiền, tài sản, lợi ích bất hợp pháp từ phía các cơ quan, DN và người dân dưới mọi hình thức.
Trong trường hợp bị tấn công hoặc bị cản trở công việc bất hợp pháp, công chức hải quan cần tìm kiếm ngay sự trợ giúp của các lực lượng chức năng và kịp thời báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan muốn phát triển và làm tốt công tác hiện đại hoá rất cần có đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu vững vàng, có khả năng sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại.
Do vậy, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng vững mạnh, xây dựng được hình ảnh CBCC trong ngành chuyên nghiệp và thân thiện. Cũng theo người đứng đầu ngành Hải quan, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý yếu kém, pháp chế nhà nước không được tôn trọng và thực thi trên thực tế.
Để khắc phục, hạn chế, đầy lùi các dấu hiệu vi phạm về kỷ cương, kỷ luật, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo với những giải pháp mang tính đồng bộ vừa chỉ ra những nội dung, những việc cụ thể mà từ lãnh đạo các cấp, các tổ chức đoàn thể đến từng CBCC tại từng khâu, từng bước nghiệp vụ phải triển khai thực hiện.
Cụ thể, ngay từ năm 2004, Tổng cục Hải quan đã ban hành “Mười điều kỷ cương của công chức Hải quan Việt Nam”, tiếp sau đó đã ban hành hàng loạt văn bản về kỷ cương, liêm chính (Quyết định số 517/TCHQ/QĐ/TCCB ngày 17-6-2004 của TCHQ về áp dụng một số giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong CBCC hải quan; Chỉ thị số 1461/CT-TCHQ ngày 30/6/2008 của TCHQ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong CBCC Hải quan…); ban hành quy tắc về văn hoá ứng xử; tăng cường quản lý giờ giấc làm việc; quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; cụ thể hoá chế độ báo cáo; xây dựng các văn bản cảnh báo trong thực thi công vụ và cam kết đồng hành cùng DN bằng Tuyên ngôn phục vụ khách hàng...
Tổng cục Hải quan xác định, việc thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật sẽ đề cao được vai trò trách nhiệm của CBCC trong khi thi hành công vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật, chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên được tuân thủ nghiêm túc, chế độ báo cáo được duy trì kịp thời, chính xác sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về Hải quan, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kiên quyết với các cá nhân có dấu hiệu, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật, tham nhũng trong khi thi hành công vụ.