Chứng thực - mắt xích "mỏng" của cải cách tư pháp

08:33, 20/03/2013

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP cùng với công chứng, công tác chứng thực ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là hoạt động xây dựng thể chế. Tuy nhiên hoạt động công chứng vẫn còn bộc lộ những vướng mắc, bất cập, hạn chế.  

Mỗi cơ quan xác nhận lí lịch một kiểu

 

 

Để tạo điều kiện và giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, UBND cấp huyện, xã hiện vẫn vận dụng linh hoạt quy định pháp luật để xác nhận cho người có yêu cầu, song mỗi cơ quan thực hiện chứng thực một cách khác nhau đối với cùng loại việc.

 

Thí dụ, cùng xác nhận Sơ yếu lí lịch cá nhân, nhưng có cơ quan thực hiện chứng thực theo hình thức chứng thực chữ ký, có cơ quan xác nhận nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người khai. Văn bản chứng thực được công nhận một cách tự phát theo thói quen không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

 

Bên cạnh đó việc phân cấp hoạt động chứng thực chủ yếu căn cứ vào thực trạng cán bộ, chưa thực sự căn cứ vào tính chất hành vi, giá trị pháp lý của văn bản chứng thực. Điều đó dẫn đến việc quy định thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài và văn bản, giấy tờ song ngữ thuộc về Phòng Tư pháp cấp huyện. UBND cấp xã chỉ chứng thực văn bản giấy tờ bằng tiếng Việt.

 

Về bản chất nhiệm vụ của người làm công tác chứng thực là kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm bản sao giấy tờ, văn bản đúng với bản gốc và xác định chữ ký là đúng của người xuất trình giấy tờ tùy thân. Do đó khi thực hiện đối với văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, song ngữ cũng tương tự như đối với văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên do chất lượng cán bộ cấp xã còn chưa cao nên những giấy tờ kiểu này “tốt nhất” là giao cho cấp huyện cho “chắc”.

 

Hiện nay tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực còn phổ biến, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội. Cán bộ công chức tại các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ chưa có cơ chế chịu trách nhiệm trong việc đối chiếu văn bản, giấy tờ trong hồ sơ với bản chính.

 

Vẫn còn một số cán bộ tiếp nhận hồ sơ có tâm lý “sợ trách nhiệm” nên không chấp nhận bản chụp để đối chiếu với bản chính mà buộc người có yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc dù đã có bản sao có chứng thực. Điều này làm tăng số lượng việc chứng thực không cần thiết, gây lãng phí tiền của, thời gian, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, làm giảm hiệu lực quy định của pháp luật.

 

Dân thích chứng thực hơn công chứng

 

Theo quy định của Nghị định 75/2000/NĐ-CP thì văn bản chứng thực hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp huyện, xã vẫn bảo đảm giá trị pháp lý như văn bản công chứng. Vấn đề chứng thực hợp đồng giao dịch, đặc biệt là nhu cầu giao dịch dân sự thường ngày của nhân dân là rất lớn đặc biệt là các giao dịch về đất đai, tài sản liên quan đến đời sống, sinh hoạt của dân như phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt…

 

Do loại giao dịch này có tần suất cao nên người dân có yêu cầu thực hiện thủ tục giao dịch nhanh chóng. Nhiều trường hợp, cùng một loại việc cùng trình tự thủ tục, giá trị pháp lý mà lệ phí chứng thực tại UBND cấp huyện thấp hơn nhiều so với phí công chứng. Do đó nếu được lựa chọn người có yêu cầu ‘thích” chứng thực hợp đồng, giao dịch hơn là công chứng.

 

Theo Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ chuyển giao từ UBND cấp huyện, xã cho tổ chức hành nghề công chứng. Tuy việc triển khai chủ trương xã hội hóa công chứng đã triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh thành trên cả nước song chưa đồng đều. Có địa bàn phát triển “nóng” có những vùng xâu vùng xa kinh tế khó khăn thì việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng lại chậm chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Thậm chí theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Văn Phương, ngay cả ở một số huyện ở Hà Nội người dân cũng phải đi đến 50km mới chứng thực được hợp đồng, giao dịch của mình. Và tất nhiên việc đi lại để thực hiện thủ tục này của dân không phải một lần. Do đó nếu để UBND cấp huyện xã tiếp tục thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch vẫn bảo đảm cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

 

Cần sớm ban hành Luật Chứng thực

 

Theo báo cáo năm năm thi hành Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Bộ Tư pháp, để thực hiện chủ trương tách bạch về bản chất giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đến năm 2020, việc xây dựng và ban hành Luật Chứng thực là cần thiết.

 

Trong định hướng xây dựng Luật chứng thực cũng cần theo hướng đối với những hợp đồng giao dịch không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì người dân sẽ có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực với giá trị pháp lý, lệ phi, phí tương đương. Quy định về trình tự, thủ tục chứng thực cần kết hợp với việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” … Bên cạnh đó luật cũng cần quy định chặt chẽ việc chứng thực bản sao từ bản chính các loại giấy tờ văn bản để tránh việc lạm dụng.

 

Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về chứng thực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quy định về chứng thực cũng phải được tăng cường để có hướng dẫn đầy đủ, phù hợp về mức, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí chứng thực.