Đi xe không chính chủ từ ngày 15/4 bị phạt hay không?

16:42, 22/03/2013

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 15/4 tới, nếu đi xe không chính chủ sẽ bị phạt. Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn của Bộ này tại Thông tư 12/2013/TT-BCA thì trong khoảng thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014, cơ quan chức năng sẽ giải quyết chuyển đổi cho những xe chưa chính chủ theo thủ tục đơn giản nhất. Nếu vậy, trong khoảng thời gian này, đi xe không chính chủ sẽ chưa bị phạt?. Nhiều ý kiến thắc mắc, liệu các quy định này có chồng chéo, mâu thuẫn nhau?.

Nhiều người không hiểu

 

 

Ngay sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCA (ngày 1/3/2013) về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA quy định về  đăng ký xe thì nhiều người đang sở hữu chiếc xe chưa chính chủ đã thở phào nhẹ nhõm.

 

Bởi từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã chuyển nhượng qua nhiều người được thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Và nhiều người hiểu rằng, trong khoảng thời gian này (hơn 20 tháng), dù có đi xe không chính chủ thì họ cũng không bị phạt (với lý do đang trong thời gian làm thủ tục chuyển đổi sang tên chính chủ theo hướng dẫn của Bộ Công an).

 

Tuy nhiên, nếu chiếu tới những quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BCA  (cũng do Bộ Công an ban hành cùng ngày) quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì từ ngày 15/4/2013 trở đi, cơ quan chức năng sẽ  phạt người đi xe không chính chủ.

 

Tại văn bản này, Bộ Công an cũng khẳng định, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường.Việc xử phạt hành vi này sẽ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.....

 

Nhiều ý kiến bày tỏ thắc mắc, quy định tại hai Thông tư này mâu thuẫn và chồng chéo nhau: một Thông tư thì cho phép xử phạt xe không chính chủ từ ngày 15/4/2013, Thông tư khác lại quy định trong khoảng thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014, cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục chuyển đổi chính chủ cho những loại xe này. Theo cách hiểu thông thường thì trong thời gian trên, các xe chưa chuyển đổi cho chính chủ sẽ không bị xử phạt....

 

“Theo nội dung tại hai Thông tư trên thì tôi hiểu rằng sau ngày 15/4//2013 mà tôi đi xe không chính chủ sẽ bị xử phạt. Nhưng bên cạnh đó, Bộ Công an lại cho phép tôi được quyền làm thủ tục chuyển đổi trong khoảng thời gian từ 15/4 năm nay đến tận ngày cuối cùng của năm sau. Vậy cơ quan chức năng giải thích trường hợp này như thế nào. Sao cùng một hành vi (đi xe không chính chủ) mà văn bản hướng dẫn này thì cho phạt, văn bản khác bảo là chưa bị phạt?”- bác Hoàng Xuân Đại (Dịch Vọng- Cầu Giấy- Hà Nội) băn khoăn.

 

Cần sự giải thích chính thức

 

Đem thắc mắc này trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), chúng tôi được ông Tuyên giải thích: Hai Thông tư này không mâu thuẫn nhau vì nó điều chỉnh hai vấn đề khác nhau.

 

Thông tư số 11 cho phép xử phạt hành vi đi xe không chính chủ kể từ ngày 15/4/2013, nếu phát hiện người mua hoặc người bán quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe mà chưa làm thủ tục sang tên di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định. Còn thời hạn từ ngày 15/4/2013 đến 31/12/2014 được coi như  thời hạn “mở cửa” để giảm bớt những thủ tục cho dân, tạo thuận lợi cho người dân sang tên đổi chủ chứ không phải là trong khoảng thời gian này cơ quan chức năng không xử phạt.

 

Cũng theo giải thích của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Thông tư 12 chỉ “mở cửa” cho người dân làm thủ tục chuyển đổi trong thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014: “Cố gắng đến 31/12/2014 sẽ cơ bản hoàn tất việc sang tên đổi chủ đối với các phương tiện chưa chính chủ. Việc làm này là vì quyền lợi của người dân, đây cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà người dân cần ý thức và nghiêm túc thực hiện.

 

Sau khoảng thời gian “mở cửa” này, việc thực hiện đăng ký xe sẽ theo quy định cũ, phải đưa luật pháp đi vào nề nếp trở lại”. Vậy quy định cũ là quy định nào?. “Việc đó cần phải có đánh giá, phải sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện xem kết quả ra sao, từ đó chúng tôi mới tiếp thu và có đề xuất xem thực hiện quy định như thế nào cho phù hợp”, Tướng Tuyên nhấn mạnh.

 

Nếu theo giải thích này thì quy định tại hai Thông tư trên không mâu thuẫn, nhưng cách diễn đạt tại hai văn bản trên đã không rõ ràng khiến người dân hiểu lầm và thắc mắc. Mặt khác, đây cũng chỉ là sự giải thích với báo chí. Người dân cần một sự giải thích rõ ràng từ Bộ Công an thông qua hình thức văn bản chính thống để tạo sự thông suốt trong quá trình thực thi pháp luật.