Lại nóng chuyện xe không chính chủ

14:45, 31/03/2013

15/4/2013 - thời điểm Thông tư số 11 hướng dẫn triển khai Nghị định 71/NĐ-CP về xử phạt xe không chính chủ có hiệu lực sắp đến gần. Hiện, chủ đề xử phạt người tham gia giao thông điều khiển xe không chính chủ lại tiếp tục "nóng" trên các diễn đàn, thu hút sự quan tâm của người dân.

Thực tế hiện nay cho thấy, người dân vẫn còn hạn chế trong hiểu biết về các quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật nói chung. Thêm nữa, từ trước tới nay, việc mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho tài sản là phương tiện giao thông thường thông qua giao dịch bằng giấy tờ mua bán viết tay mà không thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định. Do đó, việc phạt người điều khiển phương tiện không sang tên chuyển quyền sở hữu quả thật không đơn giản.

 

 

Vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo

 

Luật Giao thông đường bộ chỉ bắt buộc người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ đăng ký xe và sổ đăng kiểm đủ điều kiện lưu hành (đối với xe ô tô) đi kèm, mà không lệ thuộc vào người đứng tên trong "Chứng nhận đăng ký xe". Trong khi đó, Bộ luật Dân sự cho phép, chủ sở hữu được quyền giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng tài sản mà không bị ràng buộc phải làm văn bản.

 

Đáng chú ý, Nghị định 71/2012 nêu rõ, xử phạt “chủ phương tiện” vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ chứ không phải là phạt “người điều khiển phương tiện” do vi phạm một trong các hành vi, trong đó có hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, vì thế, càng khó khăn trong xử phạt. Bởi người điều khiển phương tiện mang theo đăng ký xe “không chính chủ” đã chứng minh họ không phải “chủ phương tiện” nên không là chủ thể vi phạm phải chịu chế tài phạt theo quy định của Nghị định, trừ khi cảnh sát giao thông (CSGT) - lực lượng có quyền dừng xe và có thẩm quyền xử phạt - chứng minh được người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện là một, nhưng họ đã thực hiện hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

 

Thêm nữa, Luật Tố tụng hành chính vừa có hiệu lực trong năm 2012 cho phép người dân có những khiếu kiện với những xử lý vi phạm hành chính không phù hợp. Quay trở lại căn cứ xử phạt và trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính. Luật quy định trách nhiệm của người xử phạt hành chính phải tìm chủ phương tiện để xử phạt, do lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Rất khó khăn để tìm ra chủ phương tiện khi phương tiện đó đã mua bán trao tay nhiều lần. Giả sử, nếu có tìm được thì họ cũng có thể dễ dàng “lách luật” bằng cách chứng minh cho nhau mượn xe.

 

Rõ ràng, quy định về việc sang tên, đổi chủ là quy định thuộc quyền sở hữu được đề cập trong Bộ luật Dân sự. Người có quyền sử dụng hợp pháp phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: Chủ sở hữu xe, người thuê xe, người mượn xe, người cầm giữ, nhận gửi giữ, nhận ủy quyền quản lý xe có thỏa thuận kèm theo quyền sử dụng xe. Theo quy định của pháp luật, những giao dịch này không bắt buộc phải làm bằng văn bản hay văn bản có công chứng, chứng thực. Do đó, người điều khiển xe chỉ cần xuất trình bản chính giấy đăng ký xe là đủ. Nếu bắt buộc người đi xe xuất trình thêm văn bản cho mượn, cho thuê xe cũng có thể chấp nhận. Nhưng văn bản này vì Luật không có công chứng cho nên dễ tạo ra cách đối phó với lực lượng CSGT khi bị kiểm tra, CSGT cũng không thể chứng minh được tính xác thực của tờ giấy này. Do vậy, đã đặt CSGT vào tình trạng khó xử. Mặt khác, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có quyền chứng minh mình không vi phạm.

 

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân, trong đó cấp chiến sĩ chỉ được phạt tối đa đến 200.000 đồng; Đội trưởng, trạm trưởng chỉ được xử phạt đến 500.000 đồng. Như vậy, đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đối với mức phạt theo NĐ 71, thì thẩm quyền xử phạt phải thuộc trưởng Công an cấp quận, huyện.

 

Cần sự điều chỉnh để quy định có tính khả thi hơn

 

Đồng ý với ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an rằng, xử phạt xe không chính chủ cần phân biệt trách nhiệm của hai chủ thể là người điều khiển phương tiện giao thông và người chủ sở hữu phương tiện giao thông.

 

Hơn nữa, việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định chính là cách để nước ta hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự. Đồng thời, quy định này cũng góp phần tạo thuận lợi trong xác định vi phạm và xử phạt khi lực lượng CSGT đang tích cực áp dụng công nghệ để xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội).

 

Không phải đợi tới thời điểm hiện nay, việc đặt ra xử phạt đối với chủ phương tiện khi mua bán do không sang tên đổi chủ đã được triển khai hàng chục năm qua, nhưng đã không khả thi. Nay, quy định này được quan tâm áp dụng với mức phạt nặng hơn gấp nhiều lần thì nó lại thu hút sự chú ý của dư luận và đặc biệt quan tâm của người dân.

 

Thiết nghĩ, để quy định của pháp luật có sức sống và tính khả thi trong thực tiễn, nên chăng, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu những yếu tố bất cập, chưa đồng bộ của các luật và văn bản dưới luật như đã phân tích ở trên để đồng bộ hóa những quy định. Từ đó, hướng dẫn áp dụng luật để bảo đảm tính khả thi để làm sao khi áp dụng dễ cho lực lượng thực thi công vụ và người dân “tâm phục, khẩu phục”, dư luận đồng tình thực hiện.