Phấn đấu đến năm 2020 cấp số định danh cho toàn bộ công dân

08:30, 27/03/2013

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Bộ Tư pháp tổ chức, diễn ra chiều ngày 26/3 tại Hà Nội.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, hiện có gần 1.300 thủ tục hành chính (TTHC) trong mẫu đơn khai yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một số giấy tờ: giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử.

 

Trong đó, có 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp thông tin về công dân và chi phí cho việc này ước tính khoảng 198 tỷ đồng. Thêm vào đó, gần 724 TTHC yêu cầu xuất trình, nộp các loại giấy tờ nói trên và chi phí cho các TTHC đó ước tính khoảng 1.445 tỷ đồng/năm.

 

Theo phân tích của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp, nếu vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm tổng chi phí khoảng 1.643 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số rất khiêm tốn vì hiện vẫn còn nhiều TTHC Bộ Tư pháp chưa có số lượng đối tượng tuân thủ. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành, lĩnh vực còn giúp giảm việc phải xuất trình các loại giấy tờ cá nhân, công dân liên quan. Theo đó, con số này sẽ được tính toán chi tiết và cụ thể trong giai đoạn triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa, rà soát TTHC của các bộ, ngành. Hơn nữa, còn chưa kể tới lợi ích khi các cơ quan quản lý nhà nước không phải bố trí nguồn lực chỉ để nhập các thông tin cơ bản về công dân vào các cơ sở dữ liệu của ngành, lĩnh vực cũng như giảm chi phí xây dựng các trường thông tin cơ bản về công dân.

 

Tính khả thi của Đề án

 

Kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án 30 cho thấy, với quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành thì việc triển khai thực hiện Đề án này hoàn toàn khả thi.

 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công dân, giải quyết TTHC cho công dân cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng về phát triển công nghệ thông tin và triển khai “cơ chế một cửa” “một cửa liên thông” hiện đại ở nước ta.

 

Thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh thành công và hiệu quả thiết thực của nó. Ngay cả ở nước ta, kinh nghiệm của một số lĩnh vực (thuế và giao thông vận tải) và một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, An Giang) cũng chứng minh tính đúng đắn của việc làm này.

 

Hiện nay, Bộ Công an chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, với Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư thì rõ ràng nó bao hàm luôn cả hoạt động trên. Vì vậy, triển khai sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và cả nhân lực.

 

Vẫn còn khó khăn, thách thức

 

Ông Ngô Hải Phan cũng cho biết, bên cạnh tính khả thi và lợi ích khi triển khai Đề án, với quy mô rộng khắp liên quan tới toàn dân và hoạt động của tất cả các bộ, ngành, địa phương và ứng dụng trên phạm vi cả nước nên sẽ không tránh khỏi khó khăn khi triển khai Đề án.

 

Theo đó, thống kê sơ bộ cho thấy, để đơn giản hóa gần 1.300 TTHC và các giấy tờ công dân, Đề án phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với 608 văn bản quy phạm pháp luật gồm 97 Luật, Pháp lệnh; 157 Nghị định; 26 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 237 Thông tư, Thông tư liên tịch và 91 Quyết định ủa Bộ trưởng… Thực tiễn triển khai thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa TTHC của Chính phủ (Đề án 30) cho thấy, các bộ, ngành còn chưa chủ động trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đơn giản hóa TTHC, việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh còn chậm do việc đưa các văn bản này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội phải theo trình tự, thủ tục phức tạp.

 

Ngoài ra, mục tiêu của Đề án yêu cầu đến 2020, dữ liệu của toàn bộ công dân sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, hiện có 12 cơ sở dữ liệu của 9 bộ, ngành đã và đang trong quá trình khai thác, sử dụng, nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đang được nghiên cứu, xây dựng để phục vụ mục tiêu quản lý ngành, nếu việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến việc kết nối, chia sẻ thông tin, mục tiêu đơn giản hóa các cơ sở dữ liệu sẽ không đạt được.

 

Thêm vào đó, thông tin xác lập thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an và Bộ Tư pháp, trong đó có các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện tại UBND xã. Vì vậy, để triển khai Đề án, cần khẩn trương thiết lập đội ngũ cán bộ hộ tịch chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và trình độ tin học.

 

Theo yêu cầu của Đề án, các bộ, ngành thực hiện hệ thống hóa, rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư trong phạm vi chức năng quản lý. Tuy nhiên, các vấn đề cần giải quyết là những vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đòi hỏi cần phải có sự chỉ đạo tập trung của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.

 

Cần sự quyết tâm và đồng lòng phối hợp của các bộ, ngành, địa phương

 

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất và cho rằng cần nhanh chóng triển khai quá trình cấp số định danh để thống nhất quản lý dân cư, thay vì buộc người dân phải loay hoay tìm cách chứng minh nhân thân của mình như hiện nay.

 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Xuân Phương cho rằng, nếu không quyết liệt thì rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Ngay từ bây giờ, cần triển khai số định danh đối với trẻ em ngay từ khi bắt đầu sinh ra và có quá trình theo dõi liên tục để bổ sung thêm các thông tin đầy đủ trong quá trình trưởng thành và cần bổ sung thêm các thông tin cá nhân cần thiết. Khi triển khai số định danh, không cần bất cứ một thứ giấy tờ nào khác, như vậy sẽ góp phần tiết giảm các loại chi phí quản lý của cơ quan nhà nước, thời gian của công dân…

 

Đại diện Bộ Công an cho biết, việc cấp mã số công dân được nghiên cứu triển khai từ năm 2010. Chuyển số CMTND từ 9 số sang 12 số là bước đi trước đón đầu triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân.

 

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến cần giải đáp xung quanh việc cung cấp số định danh; số CMTND mới thay thế số CMTND cũ đang dùng để giao dịch trong rất nhiều thủ tục hiện hành sẽ thế nào; khi triển khai Đề án thì các bộ, ngành kết nối, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào. Nhiều ý kiến cũng đề nghị rút ngắn thời gian cấp số định danh và lấy ý kiến cộng đồng khi triển khai các nội dung của Đề án. Với trẻ em dưới 14 tuổi, thì cứ 5 năm một lần, lặp lại số thông tin hộ tịch. Cần định lượng và nêu ra các chỉ tiêu cụ thể đồng thời cũng phải tính tới đối tượng công dân Việt Nam ở nước ngoài khi triển khai cấp số định danh.

 

Đáng chú ý, có ý kiến cũng cần phải lưu ý tới tính bảo mật thông tin, nhất là với một số thông tin cá nhân. Có nên xem xét cân nhắc tới vấn đề tùy từng đặc thù ngành mà nhận biết được những thông tin liên quan mà không hẳn là biết hết tất cả các thông tin.

 

Lý giải những thắc mắc này, ông Ngô Hải Phan cho rằng dù khó hay dễ nếu không quyết tâm thì sẽ không thể triển khai. Do đó, rất cần sự vào cuộc của tất các cấp, bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong triển khai công việc này.

 

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định, Hội thảo đã bày tỏ sự nhất trí cao với Dự thảo Đề án. Với một số vướng mắc, bất cập, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Mục tiêu đặt ra là giảm tải thủ tục phiền hà, tạo thuận lợi cho nhân dân, hướng tới một chính phủ điện tử hiện đại và công khai, minh bạch.