Quản lý công dân bằng mã số định danh

07:21, 21/03/2013

Theo dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến, việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ được triển khai từ tháng 6-2013 đến 5-2014.

Thực tế hiện nay việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ công dân còn bộc lộ bất cập. Thông tin trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…). Trong một số trường hợp công dân phải xuất trình cùng lúc hai hoặc nhiều loại giấy tờ (thí dụ cả chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh).

 

 

Do việc quản lý giấy tờ thủ công và chưa thống nhất trong phạm vi toàn quốc nên khi công dân thay đổi nơi cư trú lại có một giấy tờ khác, một mã số khác. Điều này dẫn đến tình trạng có người có đến hai giấy khai sinh hay hai chứng minh nhân dân, hoặc đáng ngại hơn là phát sinh giấy tờ giả hoặc giấy tờ thật nhưng thông tin giả, thậm chí ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể phân biệt được nếu không tra cứu.

 

Với quy mô dân số gần 90 triệu dân như hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 600.000 giao dịch hành chính công, hầu hết thực hiện thủ công thông qua việc công chứng và xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ. Điều này tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức.

 

Quản lý công dân bằng mã số định danh là phương thức hiệu quả, đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã quy định về số định danh cá nhân. Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên Bộ Công an đã xây dựng và quy định về số định danh cá nhân. Đây là những bước khởi đầu cho việc thống nhất quản lý công dân.

 

Theo dự thảo Đề án trên, số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác. Mã số định danh được giữ ngay cả trong trường hợp công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, khi được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam.

 

Trước mắt, Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ quản lý kho số định danh cá nhân (trên cơ sở kho số định danh cá nhân Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng và quản lý theo theo Nghị định số 90/2010/NĐ-CP).

 

Công an cấp huyện, cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực khi công dân thực hiện đăng ký thường trú hoặc cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân.

 

Ủy ban nhân dân cấp xã (Hộ tịch viên) cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi công dân đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.

 

Đối với công dân đã đăng ký hộ tịch trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực, khi phát sinh các thủ tục hành chính về hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cập nhật số định danh cá nhân vào giấy tờ hộ tịch và Sổ bộ hộ tịch nếu công dân đã được cơ quan công an cấp số định danh cá nhân. Nếu công dân chưa được cấp số định danh cá nhân, cán bộ hộ tịch phối hợp với cơ quan công an để phối hợp cấp số định danh cho công dân.