Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án khoảng 48.000 việc là khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành, đang được Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến. Tuy nội dung chính của dự thảo này chủ yếu là các đối tượng được xét miễn thi hành án, song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Không thể thi hành vì ...cơ chế
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước còn hơn 288.000 việc (tương ứng số tiền khoảng 30.000 tỉ đồng) chưa được thi hành án dứt điểm. Trong đó có khoảng 48.000 việc (tương ứng số tiền gần 700 tỉ đồng) là khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành.
Đây là số việc mà các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục, đã áp dụng những biện pháp cần thiết nhưng vẫn bế tắc. Do đó, theo Bộ Tư pháp, miễn thi hành đối với các khoản thu này là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành án đầu tư thời gian và tập trung nguồn lực giải quyết những việc mới phát sinh hàng năm. Ước tính bình quân có khoảng trên 340 nghìn việc phải thi hành với số tiền phải thi hành trên 15.000 tỷ mỗi năm.
Theo luật định, dù án không thể thi hành nhưng cơ quan thi hành án vẫn phải xác minh, do đó hằng năm, riêng chi phí để xác minh, rà soát những việc này đã tiêu tốn mất khoảng 60 tỉ đồng tiền ngân sách và gần 383 ngàn ngày công mỗi năm. Nếu miễn thi hành, nhà nước sẽ chỉ phải bỏ ra trên 100 triệu đồng và gần 2400 ngày công để thực hiện. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp phải thi hành án cũng tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, nguyên nhân hoàn toàn là do khách quan vì cơ quan thi hành án đã áp dụng hết các biện pháp, nhưng không tìm ra tài sản hay không tìm ra địa chỉ.
Ông Chính nhận định, nguyên nhân sâu xa hơn nữa là lỗi cơ chế. Luật quy định cho phép tòa tuyên mà không thẩm định đương sự có thể thi hành án được hay không, trong khi ở nước ngoài, người ta còn có hội đồng tư vấn xác minh trước để tuyên cho phù hợp thực tế...
Trên thực tế, để cải cách hành chính, pháp luật quy định rất thông thoáng về điều kiện thành lập doanh nghiệp, nhưng hiện chưa có biện pháp nào ngăn chặn tình trạng “doanh nghiệp ma” bỗng dưng biến mất.
Tuy đa số các ý kiến đồng tình với việc miễn thi hành án các vụ không thể thi hành, vẫn có những ý kiến băn khoăn. Luật Thi hành án dân sự đã quy định miễn thi hành án cho một số trường hợp không có khả năng thi hành án, nếu ban hành thêm nghị quyết này, hóa ra Quốc hội ban hành hai văn bản khác nhau để điều chỉnh cùng một vấn đề, vậy là chưa ổn. Nên chăng chỉ ra nghị quyết để điều chỉnh một vấn đề cá biệt, chẳng hạn lập một danh sách những trường hợp không thể thi hành án để xin miễn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ Kiểm sát thi hành án VKSNDTC) kiến nghị: “Tại sao chúng ta không khoanh 48.000 việc này lại, cắt ra để theo dõi riêng? Nó sẽ không phát sinh thêm nữa và cũng không được ghi là án tồn vào năm sau. Làm như thế sẽ không cần phải tốn chi phí xác minh”.
Cẩn trọng khi xét đối tượng được miễn thi hành
Theo dự thảo, Nghị quyết xác định bốn trường hợp được miễn thi hành án bao gồm cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ nhất là trường hợp người phải thi hành án là cá nhân thuộc hộ nghèo hoặc không thuộc hộ nghèo, nhưng bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, ở vùng đặc biệt khó khăn, bị tai nạn, mất khả năng lao động, bị bệnh hiểm nghèo nên không có điều kiện thi hành án
Thứ hai là trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã xác minh, nhưng không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án trong thời hạn ít nhất là năm năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án.
Thứ ba là trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) đã giải thể hoặc ngừng hoạt động, nhưng không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp và người nhận chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Thứ tư là trường hợp người phải thi hành án có quốc tịch nước ngoài đã xuất cảnh nhưng không có tài sản ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã thực hiện việc tương trợ tư pháp để xác định địa chỉ, tài sản của họ ở nước ngoài, nhưng không có kết quả.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn đề xuất miễn thi hành án đối với án phí cùng các quyết định thu nộp ngân sách trong các bản án hình sự mà vi phạm của người bị kết án đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định không còn là tội phạm.
Vấn đề đặt ra đối với việc thi hành án các đối tượng phải thi hành thường tìm mọi cách để “né”, do đó khi xét miễn cần được tính toán cẩn trọng để tránh phát sinh hậu quả và dễ cho quá trình áp dụng. Nếu đối tượng miễn tràn lan, không rõ ràng thì người dân sẽ không tin công việc mà cơ quan thi hành án làm.
Thí dụ một đương sự đang được xét miễn thi hành án, nhưng cũng chính người đó phát sinh thêm nghĩa vụ thi hành án ở một bản án khác thì có được miễn nữa hay không? Hay một người được miễn thi hành án, sau đó phạm tội thì có được tiếp tục miễn án phí… hay không? Nếu họ vắng mặt ở nơi cư trú mà vẫn có tài sản ở đó thì được miễn thi hành không?
Theo Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, một trong những đối tượng được xét miễn thi hành án là những người không có mặt ở nơi cư trú đã quá năm năm như vậy là không ổn. Phải quy định rõ hơn là họ không có tài sản, không có điều kiện thi hành án, nếu không miễn chẳng khác nào thừa nhận cho người trốn tránh thi hành án. Với trường hợp doanh nghiệp dừng hoạt động cũng nên áp dụng tương tự.