Cần Luật hóa hành vi cho phép mang thai hộ

08:06, 26/04/2013

Hiện nay, mang thai hộ là nhu cầu thực tế trong xã hội và đang diễn ra ngày càng nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, mang thai hộ cần được thừa nhận, nhưng đây cũng là một vấn đề xã hội nhạy cảm. Vì thế, Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) sửa đổi tới đây phải dự liệu những quy định chặt chẽ, cụ thể về vấn đề này.

Theo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp: Hiện nay, Luật HNGĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ. Trong khi Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định: Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với đứa trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Điều 6, Điều 20).

 

Trên thực tế, việc nghiêm cấm hành vi mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như: Mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, mang thai hộ nhằm lách luật để sinh con thứ ba... Song, việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Ví dụ: Chị gái hiếm muộn, em gái muốn mang thai hộ chị, được cả gia đình nhất trí, ủng hộ, nhưng pháp luật lại nghiêm cấm...

 

Như vậy, vô hình chung lại làm gián tiếp ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của công dân trong trường hợp mong muốn có “con nuôi” mang dòng máu của gia đình mình.

 

Từ việc pháp luật cấm  mang thai hộ, để thực hiện nhu cầu làm cha, mẹ, nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ mang thai hộ thông qua môi giới, thông qua người nhận mang thai vì mục đích thương mại, dẫn đến nguy cơ thương mại hóa và dịch vụ mang thai hộ phát triển mà Nhà nước không kiểm soát được.

 

Tại Hội nghị tổng kết công tác thi hành Luật HNGĐ năm 2000 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, đưa ra quan điểm về vấn đề này, Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng cho rằng: Mang thai hộ là nhu cầu thực tiễn trong xã hội và đang diễn ra ngày càng nhiều. Đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân, gia đình; do đó, cần thiết phải pháp điển hoá quy định về vấn đề này lên tầm văn bản luật, chứ không nên điều chỉnh trong văn bản dưới luật.

 

Theo ông Tưởng Duy Lượng, mang thai hộ là vấn đề mang tính nhu cầu thực tiễn, trước hết là vì mục đích nhân đạo, mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân, gia đình không có khả năng sinh con. Do đó, mang thai hộ có thể được quy định cho phép vì mục đích nhân đạo. Đồng thời, với quy định cho phép này cần đảm bảo có các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên và xác lập quan hệ cha mẹ, con cái, quyền nghĩa vụ giữa cha mẹ và đứa con được sinh ra bằng hình thức này, để đảm bảo tránh tranh chấp xảy ra giữa các bên, gây hiện tượng xấu trong xã hội.

 

Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cũng chỉ ra thực tế, hiện nay đã xuất hiện các vụ việc mang thai hộ và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, vì pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này nên còn mang tính tự phát. Quyền lợi của đứa trẻ trong quan hệ mang thai hộ khi chưa được sinh ra hoặc đã được sinh ra không được pháp luật bảo vệ. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ cũng không được bảo đảm do không có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

 

Do đó, để bảo vệ đứa trẻ được sinh ra do quan hệ mang thai hộ, luật pháp cần phải điều chỉnh chặt chẽ quan hệ này. “Chúng tôi đề nghị Luật HNGĐ cần bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại” – ông Lê Hữu Thể nói.

 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: Sẽ rất khó khăn khi xác định một quan hệ mang thai hộ là có mục đích nhân đạo hay thương mại, vì sẽ có nhiều trường hợp bên nhờ mang thai hộ có mục đích nhân đạo, còn bên nhận mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vì vậy, để thống nhất nhận thức trong việc áp dụng pháp luật, cần quy định cụ thể những trường hợp được mang thai hộ ngay trong Luật. Ví dụ: vợ, chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp không thể sinh con theo cách tự nhiên vì sức khỏe của người vợ không đảm bảo thì có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo rồi nhờ người khác mang thai hộ.

 

Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ những vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa thuận mang thai hộ như: Hình thức pháp lý của thỏa thuận mang thai hộ; điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ; điều kiện đối với người mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm của các bên đối với đứa trẻ khi chưa sinh ra hoặc sau khi sinh ra…

 

Dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng phản ánh: Thực tế hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý (dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy thận, tai biến sản khoa cắt tử cung…) mà không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai, nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ.

 

PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến cho hay: Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này.

 

Từ những phân tích trên, ông đề xuất: Luật HNGĐ cần quy định cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng 3 đời bên nhà chồng. Trên cơ sở đó, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và sự đồng ý của một Hội đồng gồm các chuyên gia về sản khoa và pháp luật. Cùng với đó, quy định nghiêm các điều kiện để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như: Điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...

 

Có thể thấy, mang thai hộ là một vấn đề có tính thời sự, phản ánh nhu cầu thực tiễn trong xã hội hiện nay, do đó cần được nghiên cứu để luật hóa trong Luật HNGĐ (sửa đổi) tới đây.