Trong số gần 30ha lúa vụ xuân ở phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) thì có tới 25ha sử dụng nguồn nước tưới từ moong Quanh Vinh và đang có nguy cơ bị thất thu. Đã có trên 2,5ha lúa bị chết hoàn toàn ngay sau khi cấy, phần diện tích còn lại thì cây lúa phát triển chậm, còi cọc. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do nguồn nước này đã bị ô nhiễm, Nồng độ PH quá cao.
Ông Lý Xuân Phú, ở tổ 25 phường Quan Triều bức xúc: Gia đình tôi sống phụ thuộc chủ yếu vào 6 sào lúa. Tuy nhiên, vụ xuân này, 3 sào sử dụng nước tưới từ Moong Quanh Vinh do Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên quản lý có tỷ lệ lúa bị chết chiếm tới 80%. Tôi đã cấy dặm lại nhưng hiện cây lúa phát triển chậm hơn nhiều so với khung thời vụ. Bình thường, năng suất lúa tại đám ruộng này đạt từ 1,8 đến 2 tạ/sào, nhưng như tình trạng hiện nay thì chắc không nổi 1 tạ/sào.
Tương tự, đám ruộng gần 4 sào của gia đình chị Phạm Thị Khanh ở tổ 24 cũng bị ảnh hưởng nặng do nguồn nước tưới bị ô nhiễm. Sau khi cấy, lúa bị chết, chị đã cấy dặm lại nhưng lúa phát triển không đều, có khóm vẫn bị héo rũ. Theo bà Lý Thị Chanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quan Triều thì bà con đã gửi đơn thư lên phường đề nghị có phương án giải quyết, hàng chục người dân bức xúc đã đến Trụ sở Công ty để phản đối, ngăn chặn việc đổ xỉ than xuống Moong. Vụ xuân năm nay, sau khi người dân gửi đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng đã 2 lần tiến hành kiểm tra và lập biên bản hiện trạng.
Bà Trần Thị Tự, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Triều cho biết: Moong nước Quanh Vinh vốn là một moong than đã dừng khai thác, năm 2009, UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa Mỏ than Quang Vinh, giao cho Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên quản lý. Theo đó, Công ty chỉ được phép hoàn thổ 11.890m2 để làm mặt bằng sản xuất trên tổng diện tích 37.890m2 của Moong, bằng vật liệu đất đá, diện tích còn lại để làm hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Công ty đã hoàn thổ quá diện tích quy định và dùng vật liệu là xỉ than nhiệt điện nên dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nồng độ PH quá cao ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Phường đã gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn và yêu cầu Công ty có trách nhiệm giải quyết hậu quả.
Về những vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên thừa nhận: “Diện tích Công ty đã hoàn thổ quá quy định khoảng trên 1.000m2 do nhu cầu về mặt bằng sản xuất, chúng tôi chọn xỉ than nhiệt điện để hoàn thổ bởi nó “kinh tế” hơn so với dùng vật liệu khác. Công ty nhận trách nhiệm về những việc làm này, đã dừng hoàn thổ và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Về lâu dài, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát và trình phê duyệt để xây dựng một công trình thủy lợi thay thế, lấy nguồn nước từ kênh Núi Cốc, đồng thời xin cấp phép tiếp tục hoàn thổ Moong nước.”
Tuy vậy, theo người dân thì mặc dù Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên đã hỗ trợ thiệt hại đợt một và chuẩn bị hỗ trợ đợt 2, nhưng họ vẫn chưa thấy thỏa đáng do số tiền hỗ trợ thấp, 250 nghìn đồng/sào lúa bị chết hoàn toàn (số còn lại được hỗ trợ theo tỷ lệ, nếu lúa bị chết từ 50% trở lên). Mức này chỉ bằng khoảng 50% chi phí đã đầu tư. Trong khi đó, sản lượng lúa những chỗ không được đền bù cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Người dân băn khoăn, liệu bao giờ vấn đề sẽ được giải quyết dứt điểm, lấy gì đảm bảo ở những vụ lúa sau tình trạng này không tái diễn?
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm có mặt (ngày 9-4), thì các xe tải chở xỉ than nhiệt điện vẫn tiếp tục đến đổ tại bờ Moong, trong khi Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên chưa hề được cấp phép mở rộng diện tích hoàn thổ, chưa có phương án xây dựng công trình thủy lợi thay thế?!
Người dân trong khu vực, những người bị ảnh hưởng trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp do ô nhiễm nguồn nước từ Moong Quang Vinh, có quyền nghi vấn: Phải chăng các cơ quan chức năng chưa kiên quyết ngăn chặn những việc làm (sai phép, chưa được phép) của Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên, tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ, hướng giải quyết dứt điểm và liệu người dân có được đền bù thỏa đáng?.