Đồng thuận ly hôn: Khỏi phải ra tòa

09:46, 21/05/2013

Một trong những phương án mới được xem là “cải cách” nếu thực hiện được trên thực tế trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình lần này đó là trao quyền giải quyết thủ tục ly hôn cho cơ quan hành chính địa phương.

Bước tiến của cải cách

 

Đối với phương án này, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp, Trưởng ban biên tập dự thảo cho hay, trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly thân hoặc ly hôn mà không có con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động và không có tranh chấp về tài sản thì có thể yêu cầu cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn hoặc tòa án công nhận.

 

Ông Huệ cho rằng, phương án này đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa việc ly thân, ly hôn có tính chất đơn giản, căn cứ giải quyết đã rõ ràng, tạo thuận lợi cho vợ chồng có yêu cầu ly thân hoặc ly hôn và giảm thiểu gánh nặng cho tòa án.

 

Ông Phạm Xuân Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhận định, không nên tòa án hóa mọi vấn đề mà chỉ coi là tòa án là cơ quan xét xử tranh chấp mà thôi.

 

Kết hôn đăng ký tại cơ quan hộ tịch thì khi ly hôn thuận tình cũng nên được giải quyết tại đây bằng cách trao thẩm quyền xử ly hôn cho cơ quan hành chính, như thế mới giảm nhẹ gánh nặng cho tòa án.

 

“Đã đến lúc hành chính hóa với các trường hợp thuận tình ly hôn, không nên nặng nề rằng tất cả mọi việc đều phải ra tòa”, ông Phương nói.

 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Hoa – Vụ trưởng Vụ pháp chế Ủy ban dân tộc của Chính phủ, “nên giữ nguyên quy định ly thân, ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Bởi lẽ, vẫn cần có sự đánh giá của thẩm phán xem liệu các thỏa thuận đó có bảo đảm lợi ích của con, của phụ nữ và những người liên quan không?

 

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đưa thẩm quyền này cho cơ quan đăng ký hộ tịch vì “ra tòa để đối mặt với sự uy nghiêm của tòa án, để người ta biết sợ, biết ngại mà suy nghĩ kỹ về quyết định của mình. Chứ bây giờ chỉ cần đồng ý, đem đơn ra phường, xã là xong thì có lẽ tỷ lệ ly hôn sẽ càng cao”.

 

Cán bộ hộ tịch cấp xã có “ôm” được?

 

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, đây sẽ là một bước “đột phá hành chính rất lớn” mặc dù vẫn còn băn khoăn: “Liệu các cơ quan hành chính hiện nay có bảo đảm thực hiện thẩm quyền mới hay chưa?” như ý kiến đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

 

Với chất lượng cán bộ cấp xã, phường hiện nay nhiều người cũng băn khoăn, nếu hai người thỏa thuận chưa rõ mà chính quyền vẫn công nhận cho ly hôn rồi sau này xảy ra tranh chấp thì giải quyết thế nào hay tòa án lại đứng ra? Ai sẽ là người thực thi quyết định ly hôn đó và nếu một người không thực thi thì cách thức giải quyết thế nào?

 

Bên cạnh đó nhiều khả năng liên quan đến vấn đề xử ly hôn tại cơ quan hành chính cũng cần được các nhà làm luật tính đến như: cách giải quyết khi cặp vợ chồng thuận tình không đồng ý với quyết định của cơ quan hành chính, hay xem xét trong trường hợp thuận tình giả hoặc bị ép thuận tình ly hôn.

 

Rõ ràng để thực thi được bước cải cách “táo bạo” này trong việc giải quyết ly hôn, đơn giản hóa một phần các vụ ly hôn lại là chuyện không hề giản đơn. Để đưa được quy trình này vào cuộc sống, cần có nhiều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cũng như cách thức xử lý các tình huống phát sinh mà nếu quy định không khéo lại “làm khó cho dân”.