Không thu được tiền hoàn trả từ cơ quan tố tụng

16:30, 29/05/2013

Sau ba năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước, cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu giải quyết bồi thường đã được tạo dựng, dần đi vào ổn định. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều bất cập nẩy sinh từ thực tiễn giải quyết.

Dân đòi bồi thường hơn 40 tỷ, được trả hơn bốn tỷ

 

Năm 2003 gia đình ông Đỗ Hữu Trí tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã mua lại hơn 1,5ha đất nông nghiệp của 23 hộ dân tại địa phương. Khi đã chuyển nhượng xong, tháng 7-2003, gia đình ông Trí tiến hành cải tạo và trồng hàng ngàn cây cảnh quý tại khu đất này.

 

Đến tháng 11-2003, ông Trí khai hoang khoảng hơn 2ha bãi bồi hoang, mua 60 xe tải đất để san lấp lấy mặt bằng mở rộng khu trồng, ươm cây cảnh. Đầu năm 2004, gia đình ông Trí đã xây dựng một căn nhà tạm tại khu vườn ươm và trồng cây cảnh để nhân công làm vườn nghỉ ngơi, trông coi tài sản và từ đó đến tháng 11-2008, gia đình ông Trí sử dụng ổn định cả hai khu đất liền kề nói trên để trồng, ươm cây cảnh, cây xanh đường phố.

 

Đến thời điểm đó, giá trị vườn cây cảnh của gia đình ông Trí lên đến hơn 50 tỷ đồng nhưng sáng 19-7-2011, đoàn cưỡng chế của UBND huyện Sơn Tịnh đưa hàng chục phương tiện cơ giới đến cưỡng chế vườn ươm cây cảnh của gia đình ông Trí với lý do "vi phạm trong lĩnh vực đất đai".

 

Chỉ trong bốn ngày cưỡng chế, chính quyền huyện Sơn Tịnh đã biến một vườn ươm cây cảnh lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên (khoảng 500.000 cây cảnh, 124 loài cây các loại) thành... bãi củi khổng lồ.

 

Đây là một vụ việc điển hình trong công tác bồi thường nhà nước mà Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra tại Hội nghị sơ kết ba năm Luật TNBTNN.

 

Sau khi vụ việc được các cơ quan chức năng xem xét và xác nhận một số quyết định hành chính của UBND huyện Sơn Tịnh là trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân. Ông Đỗ Hữu Trí yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh bồi thường số tiền lên đến hơn 46,5 tỷ đồng.

 

Đến nay UBND huyện Sơn Tịnh đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường cho ông Trí với số tiền hơn bốn tỷ đồng sau rất nhiều lần thương lượng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, việc xác định trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ công chức có sai phạm trong vụ việc này cần chờ… thời gian.

 

Theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, từ vụ việc giải quyết bồi thường của ông trí cho thấy, một số quy định của Luật BTTNNN bất cập.

 

Theo quy định về thời gian hai bên thương lượng việc bồi thường là 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Tuy nhiên đối với vụ việc của ông Trí là vụ việc phức tạp với số tiền bồi thường quá lớn nên việc thương lượng diễn ra nhiều lần mới đạt kết quả và nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì rõ là …vi phạm.

 

Bên cạnh đó, Luật này cũng quy định xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm giải quyết bồi thường tuy nhiên thực tế không phải với loại tài sản nào cũng có mức giá về sau cao hơn mức giá tại thời điểm hành vi gây thiệt hại xẩy ra.

 

Với vụ việc của ông Trí, thời điểm vườn ươm cây cảnh của ông bị phá bởi quyết định của UBND huyện Sơn Tịnh, có mức giá cao hơn giá thời điểm giải quyết việc bồi thường. Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì quyền lợi của ông Trí bị thiệt hại đáng kể.

 

Không để người dân ở vị thế xin – cho

 

Theo báo cáo sơ kết ba năm thi hành Luật TNBTNN, việc giải quyết bồi thường còn nhiều hạn chế, văn bản hướng dẫn thi hành Luật chậm ban hành làm cho công tác giải quyết bồi thường gặp khó khăn, cụ thể là trong hoạt động tố tụng hình sự. Tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm giải quyết bồi thường vẫn còn tồn tại ở nhiều cơ quan.

 

Việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời. Theo quy định thời hạn cấp kinh phí bồi thường chỉ là năm ngày kể từ ngày bản ản quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế thời gian này thường kéo dài từ bốn tháng đến một năm, cá biệt có những vụ việc kéo dài đến gần hai năm.

 

Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện kịp thời số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả ba lĩnh vực ( quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án) là rất ít, 11/137 số vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường.

 

Đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng, trong ba năm nay khi Luật có hiệu lực thi hành, cơ quan tài chính chưa thu được một đồng nào từ việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

 

Phát biểu tại hội nghị sơ kết ba năm thi hành Luật này tại Hà Nội sáng 28-5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, công tác thi hành Luật TNBTNN dù là vấn đề mới, nhiều khó khăn nhưng đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong ba năm sau khi Luật ra đời, đã giải quyết được 182 vụ việc với tổng số tiền bồi thường là 23 tỷ. Trong khi 10 năm trước khi chưa có luật, chỉ giải quyết được 300 vụ việc bồi thường với tổng số tiền 18 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên công tác xây dựng văn bản vẫn còn mắc “bệnh” Luật chờ nghị định, thông tư. Công tác giải quyết yêu cầu bồi thường còn nhiều vấn đề phải “mổ xẻ”. Con số vụ việc mà chúng ta giải quyết được còn xa với công tác thi hành công vụ thực tế của chúng ta. Thủ tục giải quyết bồi thường quá phiền hà.

 

“Một vụ việc mà từ 2007-2010 mới xác định được là cơ quan quản lý nhà nước sai, từ 2010 đến nay mới xác định được mức bồi thường và người dân vẫn chưa nhận được tiền vì còn chờ Bộ Tài chính. Tôi có cảm giác Luật TNBTNN vào cuộc sống quá ít”, ông Cường nói.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, một trong những vấn đề sửa đổi của Hiến pháp lần này là đề cao, tăng dầy quyền con người. Nhiều luật liên quan đến Luật TNBTNN cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

“Một khi Nhà nước gây thiệt hại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần được giải quyết bồi thường cho người dân một cách đàng hoàng, đầy đủ, kịp thời, xác đáng. Không để người dân yêu cầu bồi thường ở vị thể xin- cho. Không được bỏ sót. Đẩy nhanh việc xây dựng ba thông tư liên tịch, đưa ra các giải pháp thiết thực bảo đẩm tốt nhất cho quyền lợi của người dân”.