Sau gần hai tuần Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến. Người dân “nhờn” luật, hay tính khả thi của điều luật yếu?... TS Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Để đưa Luật PCTHTL vào cuộc sống, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
- Để Luật PCTHTL có tính khả thi cao, chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên hơn nữa để người dân hiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe; hiểu được việc vi phạm các quy định sẽ bị xử phạt như thế nào?. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân sẽ cao hơn.
Thứ hai, phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá và người đứng đầu các điểm này phải tổ chức, triển khai việc cấm hút thuốc lá trong chính cơ quan, đơn vị mình.
Thứ ba, phải tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, đồng thời nhắc nhở, cảnh báo việc hút thuốc lá là không đúng, tác động lên lòng tự trọng, ý thức văn hóa để người hút rút kinh nghiệm và sửa đổi.
Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật, chấp hành pháp luật của người dân. Cuối cùng là tổ chức xử phạt đối với các vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng một cách nghiêm khác.
Tốt nhất, nên tổ chức xử phạt ở những điểm có nhiều người vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy, mới mang tính giáo dục cao trong xã hội, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng…
- Trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế dự kiến sẽ nâng mức xử phạt vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng lên cao hơn. Có ý kiến cho rằng: Mức xử phạt dự kiến cao quá, Luật càng khó khả thi. Quan điểm của ông về vấn đề này?.
- Theo quy định của Nghị định 45 về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực cấm hút thuốc lá nơi công cộng với mức phạt từ 50-100.000 đồng. Qua 08 năm thực hiện, mức phạt đó không phù hợp, vì thế cần có sự điều chỉnh để bảo đảm tính răn đe, giáo dục và thuyết phục. Chính vì thế, Dự thảo Nghị định mà Bộ Y tế đang hoàn thiện quyết định nâng mức xử phạt lên từ 100-200.000 đồng. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên từ 200-500.000 đồng.
Theo quan điểm của Bộ Y tế, mức xử phạt cao như vậy, ngay cả những người dân thành phố cũng không đủ sức nộp phạt, nói chi đến các vùng nông thôn, sâu, xa. Do đó, theo tôi mức phạt từ 100-200.000 đồng là phù hợp.
- Việc thành lập Qũy PCTHTL được xem là một điểm ưu việt của Luật PCTHTL. Nó cũng giúp chúng ta có được nguồn ngân sách lớn và ổn định để thực hiện hoạt động PCTHTL. Thái độ của các công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc lá về việc này?. Để quản lý có hiệu quả Qũy này, Bộ Y tế tính đến phương án nào?
- Việc Luật PCTHTL quy định thành lập Qũy PCTHTL là một “điểm sáng” trong việc tạo ra các nguồn đóng góp vào Qũy để tổ chức, triển khai các hoạt động PCTHTL mà không phải dùng nguồn ngân sách của nhà nước. Quy định này cũng được Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia đánh giá rất cao.
Đó là khoản đóng góp bắt buộc với người sử dụng thuốc lá và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Với mức đóng góp trong giai đoạn đầu là 1% trên giá xuất xưởng với mỗi bao thuốc, Qũy sẽ có khoảng 200-210 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động PCTHTL. Nhận thức được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người dân, cho nên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá cũng đồng thuận với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế… về vấn đề này.
Theo đó, Qũy là nguồn tài chính quốc gia trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính. Do đó, Qũy sẽ có các cơ chế hoạt động mang tính chất khoa học, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập, chúng tôi sẽ có phương án tổ chức triển khai để Qũy sớm đi vào hoạt động.
- Trân trọng cám ơn TS!