Tăng cường phối hợp phòng chống hàng giả

08:13, 31/05/2013

Một cuộc hội thảo đặc biệt về đấu tranh phòng chống tội phạm hàng giả có hại cho sức khỏe của người dân tại khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông đã được Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai bên. Ngoài những cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm buôn bán, sản xuất hàng giả đến từ nhiều bộ, ngành, cuộc hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế và các nhà sản xuất các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, tân dược hay bị làm giả trên thị trường.

 

Cuộc hội thảo đã đem đến một góc nhìn tổng quan về tình hình tội phạm buôn bán, sản xuất hàng giả tại Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt là những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm này.

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát kinh tế, từ năm 2004 đến 2012, trên địa bàn cả nước đã phát hiện, điều tra, khám phá gần 2.800 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Điều đáng lo ngại là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật này đang có xu hướng gia tăng. Riêng năm 2012 có số vụ vi phạm bị phát hiện nhiều nhất với 554 vụ. Bình quân, số vụ tăng hơn 32%, đang trở thành một thách thức đáng báo động.

 

Các điều tra viên cũng cho biết một thực tế, hàng giả, hàng nhái hiện rất khó phát hiện theo cách nhận biết thông thường, rất khó phân biệt với hàng thật. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng rượu, thuốc tân dược giả diễn biến phức tạp, trên nhiều tuyến đường bộ, đường biển, hàng không và bưu điện với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

 

Theo thông tin của Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tuyến hàng không, bưu điện quốc tế thường diễn ra các hoạt động buôn lậu các nặt hàng gọn nhẹ, giá trị cao như thuốc tân dược, quần áo thời trang, hành xa xỉ phẩm, điện thoại di động với thủ đoạn chủ yếu là giấu trong người, hành lý, không khai áo khi xuất nhập cảnh....Đối tượng trọng điểm chủ yếu là tổ lái, tiếp viên trên máy bay, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần trên tuyến...Tuyến đường bộ trọng điểm là địa bàn các cửa khẩu lớn ở cả 3 miền. Hàng giả chủ yếu là đồ điện tử, gia dụng, quần áo, giày dép mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới và Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là hàng hóa thuộc diện tạm nhập, tái xuất, do phương thức vận chuyển chủ yếu là container, quãng đường vận chuyển dài, qua nhiều địa bàn, khối lượng hàng lớn nên thường gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Bên cạnh khó khăn do thiếu công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ phân biệt hàng giả, khó khăn đối với lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ chống buôn bán, sản xuất hàng giả hiện nay còn nằm ở mặt chính sách, quy định của pháp luật. Cụ thể như thiếu tính đồng bộ trong quy định các biện pháp kiểm tra, khám xét. Ngoài ra, việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán tân dược, rượu giả còn nhiều khó khăn do liên quan đến những yếu tố nước ngoài.

 

Biện pháp hàng đầu được đông đảo các tham luận của các chuyên gia trong nước, quốc tế đề cập đến nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với nạn buôn bán, sản xuất thuốc tân dược giả, rượu giả là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống buôn bán, sản xuất.hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

 

Các cơ quan chức năng cũng kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sơ hữu trí tuệ, đặc biệt là các quy định về hình sự. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về chuyên môn, nghiệp vụ....; thành lập quỹ chống hàng giả.

 

Cuộc hội thảo đã góp phần tăng cường hoạt động phối hợp giữa lực lượng thực thi với các cơ quan quản lý Nhà nước; các hiệp hội sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hàng giả.