Có nên lập cơ quan thi hành án dân sự khu vực?

16:09, 04/06/2013

Đại đa số ý kiến đại biểu tham dự Tọa đàm “Mô hình cơ quan thi hành án dân sự (THADS) khu vực” do Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chiều qua đề nghị giữ nguyên mô hình cơ quan THADS hiện tại để tránh những xáo trộn không cần thiết trong bối cảnh Tòa án và VKS lập Tòa, Viện khu vực.    

Một câu hỏi lớn được đặt ra là nếu Tòa án lập Tòa khu vực thì cơ quan THADS có nên tổ chức theo khu vực hay không?. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, hiện có hai quan điểm trái chiều.

 

Ý kiến thứ nhất cho rằng nên lập cơ quan THADS theo khu vực nhằm tạo sự tương thích, gắn kết phối hợp công tác giữa Tòa án và cơ quan THA trên địa bàn. Như vậy cũng sẽ gọn đầu mối chỉ đạo, gọn bộ máy. Tuy nhiên quan điểm khác lại cho rằng không nên lập cơ quan THADS theo khu vực. Bởi lẽ, bản chất công tác THADS là phải gắn với chính quyền địa phương và đời sống của người dân. THA mà không có sự phối hợp của chính quyền thì khó làm được tốt.

 

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Hiển ủng hộ phương án nên giữ nguyên mô hình cơ quan THADS như hiện nay. “Nếu lập theo khu vực thì vấn đề khó khăn nhất sẽ là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, nhất là khi phải cưỡng chế THA. Nếu không nằm trong một cấp chỉ đạo thì vấn đề này sẽ rất khó giải quyết”, ông Hiển nói và cho rằng với vai trò là cơ quan hành chính tư pháp, chấp hành viên là công chức nhà nước, hoạt động thừa phát lại còn chưa rõ kết quả như hiện nay thì giữ nguyên mô hình này là phù hợp.

 

Dưới cái nhìn của một người làm công tác tổ chức, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho rằng nếu giữ nguyên như mô hình hiện nay sẽ có 5 ưu điểm lớn, đó là tính ổn định của tổ chức hệ thống; giữ được mối quan hệ phối hợp với UBND cùng cấp, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; thuận lợi trong việc phối hợp giữa các cơ quan ban ngành hữu quan; giữ ổn định về tổ chức Đảng, Công đoàn, thanh niên… và đặc biệt, theo ông Thái, giữ nguyên mô hình như hiện tại sẽ thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến THA.

 

“Nếu bây giờ lập THA khu vực, thu gọn gần 700 cơ quan THA xuống còn hơn 400 cơ quan… riêng chuyện ai là Chi cục trưởng, ai là Phó đã đủ mệt”, ông Thái nói và cho rằng đó là những xáo trộn không cần thiết.

 

Ủng hộ chủ trương giữ nguyên mô hình hiện nay, bà Đào Thị Hoài Thu, Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phân tích: đến nay 63/63 tỉnh đã có Ban chỉ đạo THADS, tuyệt đại đa số cấp huyện cũng đã có Ban chỉ đạo, vai trò của các Ban chỉ đạo ngày càng được khẳng định trong thực tiễn, đặc biệt đối với những vụ việc lớn, phức tạp.

 

“Nếu lập THA khu vực phù hợp với Tòa án sơ thẩm khu vực thì vai trò của Ban chỉ đạo THADS cấp huyện sẽ không còn phù hợp vì nằm ngoài địa giới hành chính. Đồng thời, công tác phối hợp giữa các cơ quan cũng sẽ khó khăn”, bà Thu nói.

 

Có nên lập THA khu vực trong điều kiện chuẩn bị lập Tòa án sơ thẩm khu vực là một vấn đề mới hết sức quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, do đó nhiều ý kiến đề nghị phải xem xét, đánh giá kỹ cả về cơ sở lý luận và thực tiễn trước khi đưa ra đề xuất chính thức.