Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đang đòi hỏi được sửa đổi cho phù hợp

07:17, 11/06/2013

Qua hơn 4 năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; đánh dấu bước ngoặt quan trọng về cải thiện môi trường đầu tư; đảm bảo bình đẳng với mọi thành phần kinh tế; khuyến khích tăng thu nhập cho người lao động; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.  

Chính sách thuế TNDN nhìn chung ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn; đồng thời, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế.

 

Trên cơ sở kết quả tổng kết 4 năm thực hiện Luật Thuế TNDN, mục tiêu xây dựng dự án Luật lần này nhằm tiếp tục kiên trì những mục tiêu dài hạn khi trình Quốc hội ban hành Luật Thuế TNDN năm 2008; đồng thời, có tính đến hiệu quả thu hút đầu tư là: Tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để thúc đẩy phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn tới; tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi có thể tác động giảm thu ngân sách nhà nước trong vài năm đầu, nhưng phải đảm bảo ổn định và tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn; đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

 

Theo báo cáo đánh giá, tổng kết 4 năm thực hiện Luật Thuế TNDN cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, Luật Thuế TNDN cũng đang bộc lộ một số hạn chế đòi hỏi phải được xem xét, sửa đổi cho phù hợp, nhất là trước những diễn biến của thực tiễn kinh tế - xã hội gần đây, cũng như xu hướng chung về cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới, nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc; tăng cường tính công khai, minh bạch của chính sách thuế; giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.

 

Một số quy định trong Luật đang bộc lộ những điểm hạn chế, cần được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Cụ thể: Mức thuế suất phổ thông hiện nay không còn hấp dẫn, kém cạnh tranh so với trước, trong khi gần đây, các nước trên thế giới có xu hướng giảm dần mức thuế suất TNDN. Không có quy định ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng nên chưa tạo động lực khuyến khích thu hút đầu tư, góp phần vào việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả. Một số quy định về ưu đãi thuế cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới như: Chưa có quy định về điều kiện tính vào chi phí phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; quy định về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, về tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại không còn phù hợp với thực tiễn. Một số khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh chưa được điều chỉnh trong Luật. Một số thu nhập cần được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế,...

 

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN đang được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp lần này sẽ khắc phục các hạn chế của Luật Thuế TNDN hiện hành, đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ sở pháp lý trong thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc thực thi pháp luật thuế.

 

Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập mới phát sinh sẽ khắc phục được bất cập khi thị trường bất động sản đi xuống; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong nội dung của Luật Thuế TNDN, phản ánh đúng bản chất kinh tế của các khoản thu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn.

 

Với những quy định được sửa đổi, bổ sung lần này sẽ khắc phục được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, nâng cao cơ sở pháp lý, phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đảm bảo tính ổn định lâu dài của chính sách thuế TNDN; qua đó, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển, đưa hệ thống chính sách thuế TNDN của Việt Nam phù hợp với thông lệ được nhiều nước áp dụng.

 

Việc giảm thuế suất thuế TNDN cũng sẽ có tác dụng tích cực đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Việt Nam có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm năng xuất khẩu. Những ngành được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế suất là ngành sản xuất đồ uống không cồn, đồ may mặc, sợi, phương tiện vận tải và phụ tùng, công nghiệp khai khoáng và khí đốt, truyền thông. Các doanh nghiệp lớn, có quy mô vốn đầu tư lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc giảm thuế suất so với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

 

Cùng với việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 20% (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) từ ngày 1/7/2013 cho các doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phát triển, do đây là nhóm doanh nghiệp chiếm số lượng lớn, có vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước các cú sốc, các biến động kinh tế vĩ mô bất lợi; đồng thời, vẫn bảo đảm không ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách nhà nước do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa này chỉ đóng góp 39% số thuế nộp ngân sách.

 

Việc nới rộng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế sẽ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng chi cho quảng cáo, khuyến mại, qua đó hỗ trợ cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách thuế nói chung và chính sách thuế TNDN nói riêng, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục được các hạn chế của Luật Thuế TNDN hiện hành; đảm bảo chính sách thuế TNDN phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo tính ổn định của chính sách thuế, có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội.