Năm 2014: Đề nghị giám sát tối cao việc xóa đói, giảm nghèo

08:24, 12/06/2013

Cho ý kiến về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn giám sát hai nội dung: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.    Đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp Quốc hội.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều 11/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

 

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày, trong năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị: Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 1 - 3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát từ 1 - 2 chuyên đề, báo cáo kết quả với UBTVQH và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

 

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tính đến ngày 01/4/2013, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến. Qua tổng hợp cho thấy, khối lượng và nội dung các vấn đề cần giám sát là rất lớn. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2014 gồm: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện (Giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện); Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện); Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).

 

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu (ĐB) bày tỏ tán thành lựa chọn giám sát chuyên đề 2 và chuyên đề 3. Các ĐB cũng đề xuất thêm một số nội dung giám sát khác.

 

Trên cơ sở 3 chuyên đề giám sát được đưa ra lựa chọn, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị giám sát việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công vì cho rằng, đây là lĩnh vực cử tri cả nước quan tâm. ĐB cũng nhất trí cho rằng, QH cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo 2005-2012. “Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Ngân sách nhà nước chi vào việc này lớn nên cần giám sát để công bố cho xã hội rõ chúng ta đã đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực này” ĐB bày tỏ.

 

Ngoài ra, ĐB Danh Út đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vào kỳ họp cuối năm 2013.

 

Cùng quan điểm với ĐB Danh Út, ĐB Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề nghị, lựa chọn giám sát chuyên đề 2 vào Kỳ họp thứ 7, chuyên đề 3 tại Kỳ họp thứ 8.

 

Theo ĐB, 2 chuyên đề này đáp ứng được 4 tiêu chí cơ bản mà UBTVQH đề cập. ĐB Thanh Hùng phân tích thêm: “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là chuyên đề lớn, có tác động tổng thể đến nền kinh tế. Qua giám sát chuyên đề này để kịp thời phát huy những kết quả đạt được, khắc phục yếu kém”. Đối với chuyên đề 3, ĐB cho rằng, thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật được thực hiện và mang lại kết quả nhất định trong giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân. Nhưng việc triển khai công tác này trên thực tế còn nhiều bức xúc, vì vậy, cần giám sát để đánh giá khách quan, đầy đủ, làm cơ sở cho việc thực hiện giảm nghèo thời gian tới.

 

Cho ý kiến về chuyên đề giám sát của UBTVQH, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề xuất 3 nội dung giám sát gồm: Việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; việc thực hiện các Nghị quyết của QH về một số vấn đề thời sự bức xúc như: Nợ xấu, tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp… và việc ban hành các văn bản dưới luật.

 

Về giám sát tối cao, ĐB tán thành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo vì cho rằng, trong giai đoạn mới, nhiệm vụ giảm nghèo cũng đặt ra những yêu cầu mới, trong đó, tập trung vào giảm nghèo bền vững.

 

ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, “trong năm 2014, không chỉ chú ý giám sát tối cao mà còn phải chú ý giám sát của UBTVQH, của Hội đồng dân tộc, của các Đoàn ĐBQH, của cá nhân ĐBQH”.

 

Trong 3 chuyên đề đưa ra lấy ý kiến ĐBQH, ĐB Nguyễn Khắc Quyền (Ninh Thuận) bày tỏ nhất trí với giám sát việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

 

Ngoài ra, ĐB đề xuất giám sát tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngân sách nhà nước.