Công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, yếu kém

08:00, 10/07/2013

Sáng 9/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội thảo “Vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng-Thực trạng và giải pháp”. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, phòng chống tham nhũng (PCTN) là vấn đề cấp bách của Đảng và nhà nước ta hiện nay. Trong những năm qua, công tác PCTN đã đạt được những kết quả bước đầu; việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực…Tuy nhiên, công tác PCTN trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: việc vận dụng một số chủ trương, chính sách và áp dụng pháp luật về PCTN chưa sát với tình hình thực tiễn, thiếu hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, suy thoái đạo đức, lối sống, với hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi, gây bức xúc xã hội...

 

Cơ chế phát hiện tham nhũng còn khép kín, nội bộ

 

Theo báo cáo của TTCP, năm 2012, qua công tác thanh kiểm tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104,59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ với 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.

 

TS. Đỗ Văn Đương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, để xảy ra tình trạng tham nhũng lớn như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan đơn vị còn hạn chế, chủ yếu mang tính hình thức.

 

Thêm vào đó, cơ chế phát hiện cũng khép kín, mang tính nội bộ, thiếu nghiêm minh. “Nhiều vụ việc tham nhũng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia nhưng người đứng đầu chỉ bị xem xét cho thôi giữ chức vụ hoặc chuyển công tác khác, thậm chí lại ở vị trí cao hơn”- ông Đương phản ánh.

 

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra nhìn nhận, cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan quản lý hiện nay chưa phát huy được hiệu quả. Dường như các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp nhà nước đều cho rằng, đây là công việc riêng của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà chưa thực sự huy động được sức mạnh các cấp vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số cán bộ lãnh đạo mắc bệnh thành tích, sợ kết quả điều tra tham nhũng ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm cá nhân và khả năng “thăng tiến” của mình.

 

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

 

Dẫn chứng việc các cơ quan tự phát hiện tham nhũng trong chính cơ quan mình, thực tế cho thấy tự kiểm tra là khâu yếu nhất, chỉ khi có mâu thuẫn nội bộ, tố cáo lẫn nhau mới phát hiện được tham nhũng. Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, kỳ vọng vào phương án này không hiệu quả, bởi cơ chế dân chủ hiện nay trong các cơ quan, tổ chức rất hạn chế, nên việc công khai minh bạch tài chính, tuyển dụng cán bộ là khó có thể.

 

Đề xuất giải pháp, ông Đỗ Văn Đương nhấn mạnh cần phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ quan, đơn vị, phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công vụ trong nội bộ cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình để phát hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, chú trọng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm toán,điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp phát hiện, xử lý và làm án tham nhũng.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận những vấn đề nổi cộm trong việc phát hiện tham nhũng ở một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; thực trạng việc thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng…Trên cơ sở đó đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.