Không nên luật hóa biện pháp trinh sát

14:16, 25/07/2013

Sáng 24-7, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) đã nhóm họp phiên thứ tư để cùng đưa ra ý kiến nhằm đề xuất hoàn thiện khung kết cấu của bộ luật.

Ông Nguyễn Hòa Bình,Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, đây là dự án động chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thành tố quan trọng đánh giá nền tư pháp do đó cần được tiến hành soạn thảo một cách cẩn trọng.

 

Theo đề xuất của Viện Khoa học kiểm sát (VKSNDTC) sẽ tách, ghép các phần của Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời bổ sung 13 chương mới về bào chữa như bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác, báo tin về tội phạm và những người tham gia tố tụng khác; giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giám định tư pháp; biện pháp trinh sát và thủ tục phê chuẩn…

 

Việc quy định các chương mới để việc thực thi trên thực tế được dễ dàng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã nẩy sinh cũng như bổ sung các quy định còn thiếu của pháp luật hiện hành hoặc cụ thể hóa những quy định vừa mới được Quốc hội thông qua.

 

Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là đưa quy định về biện pháp trinh sát vào trong bộ luật. Thứ trưởng Bộ tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, các biện pháp trinh sát từ trước đến nay là bí mật nay đưa vào luật để thể hiện tính minh bạch, công khai. Nếu làm được thì tốt nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ xem đã đủ điều kiện để đưa vào hay chưa? “Trong trường hợp một số biện pháp trái nhân quyền chỉ chuyển hóa thành chứng cứ thông qua lời khai của bị cáo thì có nên đưa vào luật hay không?”.

 

Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC cũng bày tỏ lo ngại, nguyên tắc của tố tụng là công khai do đó nếu chúng ta quy định về vấn đề này liệu có lợi không, rất cần cân nhắc.

 

Theo quan điểm của Bộ Công an, trinh sát là một trong những biện pháp nghiệp vụ đặc thù, chuyên biệt và có yêu cầu bí mật cao liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và hoạt động trinh sát không phải là hoạt động tố tụng hình sự. Vì thế không nên luật hóa vào Bộ luật Tố tụng Hình sự.

 

Bên cạnh đó việc đề xuất tách, ghép một số phần của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận của thành viên Ban soạn thảo. Một số người cho rằng việc nhập, ghép cần phải có sự thuyết phục rõ ràng, cụ thể chứ không vì sự tiện lợi mà xóa đi ranh giới giữa sơ thẩm và phúc thẩm.