Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực

09:00, 03/07/2013

Với 4 chương, 27 điều, Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1-7) quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật Thủ đô quy định, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Luật cho phép Hà Nội xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện.

 

Về bảo tồn và phát triển văn hóa, Luật quy định các khu vực, di tích và di sản văn hóa được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gồm: Khu vực Ba Đình; Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng Thành Thăng Long; Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây; phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.

 

Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, Luật quy định, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sng Hồng.

 

Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Luật quy định việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm thực hiện quy hoạch, Luật quy định, trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Đặc biệt, về vấn đề được nhiều người quan tâm là quản lý dân cư trên địa bàn Thủ đô, Luật quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành. Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

 

Để được đăng ký thường trú ở nội thành, công dân phải thuộc một trong các trường hợp sau: Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú; các trường hợp đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.