Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham dự hội thảo “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức vào hôm qua – 22/7. Những “khoảng trống” này đang được nghiên cứu để có thể “lấp đầy” trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS tới đây.
Chưa có tội “tra tấn”
Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân không những được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật nói chung mà còn được quy định tương đối cụ thể, rõ ràng tại BLHS năm 1999. Tuy nhiên, so với các Công ước quốc tế có liên quan thì pháp luật hình sự Việt Nam còn những khoảng cách nhất định.
Chẳng hạn, so với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT), pháp luật hình sự của nước ta có rất nhiều tội danh có thể được sử dụng để truy cứu hành vi tra tấn, với hình phạt rất nghiêm khắc từ tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam hiện hành không có tội danh với tên gọi “tra tấn”.
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an Trần Vi Dân, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến tra tấn trong BLHS phù hợp với định nghĩa tra tấn nêu ngay tại Điều 1 của CAT.
Hay đối chiếu với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, nhất là yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thì những quy định của BLHS 1999 về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân còn nhiều hạn chế.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra: Một số quyền con người chưa được bảo vệ bằng luật hình sự như quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tự do thông tin; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
“Việc không coi những hành vi xâm hại đến các quyền này của con người là tội phạm đã làm giảm đi tính hiện thực của các quyền này trong đời sống xã hội, đồng thời không đáp ứng được đòi hỏi nâng cao việc bảo vệ quyền con người trong giai đoạn hiện nay” – ông Chí tâm tư.
Chưa từng xử lý cán bộ bắt, giữ người trái pháp luật
Liên quan đến thực trạng thi hành BLHS về một số tội phạm trừng trị, xử lý các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tại các Điều 123 (tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật) và Điều 303 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật), Phó Vụ trưởng Vụ 1A VKSNDTC Vũ Việt Hùng cho biết: Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin của VKSNDTC, trong 3 năm từ 2010 đến 2012, toàn quốc đã khởi tố 479 vụ với 1282 bị can về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, VKS các cấp đã truy tố 407 vụ/1165 bị can và TAND các cấp đã đưa ra xét xử 365 vụ/1027 bị can.
Đáng chú ý, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật không khởi tố vụ nào. Ông Hùng kiến nghị xây dựng lại Điều 123 theo hướng chỉ quy định tội phạm đối với người không có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người. Đối với người có thẩm quyền có thể gộp chung đưa vào Điều 303.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với tội bức cung, dùng nhục hình và cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện. Cụ thể, từ năm 2006 đến năm 2010, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thụ lý 63 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, trong 5 năm chỉ khởi tố, điều tra có 7 vụ/10 bị can về tội dùng nhục hình (riêng trong năm 2009, không có vụ án nào về tội dùng nhục hình bị khởi tố).
Trong 2 năm 2011, 2012 và 6 tháng năm 2013), Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thụ lý 21 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và đã khởi tố, điều tra 13 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình. Đặc biệt, mới chỉ khởi tố một số vụ về tội dùng nhục hình, chứ chưa khởi tố vụ án nào về tội về tội bức cung.