Doanh nghiệp sai phạm khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

07:35, 27/08/2013

Ngày 22/8/2013, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.

Về lĩnh vực lao động: Nghị định quy định 25 điều đối với những hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục về: dịch vụ việc làm; giao kết hợp đồng lao động; thử việc; thực hiện hợp đồng lao động; sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động; thuê lại lao động; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lao động nữ; lao động chưa thành niên; lao động là người giúp việc gia đình; người lao động cao tuổi; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam...

 

Trong đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với người có các hành vi: Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa khi đang mang thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày; Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản; Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sẽ bị trục xuất nếu làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn. Cụ thể: Phạt tiền người sử dụng lao động từ 30 - 40 triệu đồng khi sử dụng từ 01 - 10 người; 45 - 60 triệu đồng khi sử dụng từ 11 - 20 người; 60 - 75 triệu đồng khi sử dụng từ 21 người trở lên.

 

 

Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Nghị định nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Phạt tiền với mức từ 12 - 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 18 - 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, và phạt tiền lên tới 75 triệu đồng nếu không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

Riêng lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: doanh nghiệp dịch vụ sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng  khi vi phạm các hành vi: Không công bố Giấy phép hoạt động dịch vụ; Không niêm yết công khai quyết định của doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh và bản sao Giấy phép hoạt động; Sử dụng người lãnh đạo điều hành khồng có trình độ từ đại học trở lên. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp dịch vụ sử dụng người lãnh đạo điều hành hoạt động không đủ 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu doanh nghiệp không thực hiện phương án tổ chức bộ máy hoạt động theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy phép hoạt động. Và mức phạt sẽ lên đến 200 triệu đồng nếu doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp mình.

 

Nghị định cũng nêu rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Đối với chủ tịch UBND cấp xã, có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5 triệu đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện, có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 37,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.