Một cán bộ từng công tác trong ngành hàng hải cho rằng với nhiều tàu đánh cá trên biển thì gió cấp 6, 7 không hề hấn gì. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, có 2 chiếc tàu đánh cá ở khu vực Cần Giờ, nhưng tiếc là không có thông tin gì về vụ tai nạn để kịp tham gia ứng cứu. Để xảy ra vụ chìm ca nô đau lòng này, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm, nhằm xử lý nghiêm những người liên quan theo luật định.
Tai nạn kinh hoàng
Theo ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, trong cuốn nhật ký cứu nạn của Cảng vụ, khoảng 21 giờ ngày 2/8, cảng đã nhận được tin báo từ một người đàn ông tên Tuấn – Công ty du lịch Vũng Tàu Marina báo có phương tiện thủy bị chết máy tại Cần Giờ nhờ hỗ trợ lai dắt. Lập tức Cảng Vụ hàng hải Vũng Tàu đã hướng dẫn ông Tuấn liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3.
Khoảng 30 phút sau Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chính thức nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 rằng có một tàu khách bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ.
Khoảng 22 giờ các tàu cứu hộ, tàu dịch vụ và các tàu gần khu vực mới được điều động, chỉ đạo đến khu vực ca nô gặp nạn thực hiện tìm kiếm cứu nạn. 30 phút sau lực lượng cứu hộ cứu nạn mới xác định được tọa độ tàu H29 BP đang bị chìm.
Đến 22 giờ 45, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được yêu cầu cứu giúp của ông Tuấn. Tuy nhiên đến 1 giờ 10 sáng ngày 3/8, tàu cứu nạn mới tiếp cận được hiện trường và đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
“Nếu báo đúng tình hình và báo sớm thì lực lượng cứu nạn chỉ mất 1,5 đến 2 giờ để ra đến hiện trường cứu các nạn nhân và hậu quả sẽ không nghiêm trọng như hiện nay…” – ông Lê Văn Chiến nhận định.
Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nguyễn Xuân Trạch cho biết, đơn vị cho mượn tàu là Công ty CP Việt-Czech phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì tàu chưa được kiểm định, chưa được phép xuất bến nhưng công ty vẫn cho mượn. “Ngoài ra, một số sai phạm khác đã rõ như chở quá tải, chở khách trong điều kiện áo phao không đầy đủ, thời tiết không đảm bảo, tàu đang trong quá trình sửa chữa….”, ông Trạch khẳng định thêm.
Ngoài ra, nghi vấn về hai chiếc canô còn lại trong đoàn đi ngang qua nhưng không dừng lại cứu nạn mà bỏ đi về phía Vũng Tàu được Cảng vụ Vũng Tàu xác nhận. Theo ông Lê Văn Chiến, đến thời điểm này cảng vụ biết được có ba canô chạy nối tiếp nhau với khoảng cách không xa trên hành trình từ bến cá Vàm Láng (Tiền Giang) về Vũng Tàu…
Sử dụng phương tiện không bảo đảm
“Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và hậu quả rất nặng nề, bi thương. Hiện tại, công tác tìm kiếm cứu nạn đã kết thúc và đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung điều tra làm rõ vụ việc, xác định và xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.
Tôi cho rằng có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra (có dấu hiệu tội phạm theo Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự)” – Chuyên viên Kiều Anh Vũ, VPLS Lê Nguyễn, TP.HCM chia sẻ.
Theo Chuyên viên Vũ, về trách nhiệm đối với hành vi đưa canô đang sửa chữa vào sử dụng: Trước hết cần làm rõ ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc CTCP Việt – Czech, hay người nào khác của Công ty này đã đưa ca nô đang sửa chữa vào sử dụng. Tại thời điểm đó, ca nô đã được sửa chưa xong chưa, mức độ an toàn như thế nào(?).
Nếu những người này biết rõ ca nô không đảm bảo an toàn mà vẫn cho phép đưa vào sử dụng, dẫn đến tai nạn thảm khốc này thì hành vi của họ có dấu hiệu của tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn” - Điều 214 Bộ luật Hình sự (BLHS) với tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Những người liên quan khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Còn về trách nhiệm đối với hành vi chở quá số người cho phép: Cần làm rõ ai là người thực hiện hành vi này, người có thẩm quyền của CTCP bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina hoặc/và thuyền trưởng, phụ lái? Hành vi này là dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” (Điều 212 BLHS). Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Không thực hiện nghĩa vụ cứu nạn Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quy chế tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình; trong khả năng có thể, phải liên lạc để nắm tình hình và thống nhất cách thức duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn; đồng thời thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực; trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn phải thông báo cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết.
Như vậy, nếu thuyền trưởng của hai ca nô đó thấy ca nô bị chìm, tuy không có điều kiện cứu giúp nhưng “im và chạy luôn”, không khai báo kịp thời thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải” với mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng (Điểm a Khoản 2 Điều 26 Nghị định 48/2011). |
Về việc cứu nạn: Trước hết là trách nhiệm của những người biết và khai báo thông tin. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển được ban hành theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, “tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn”.
Nếu vi phạm quy định này, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: “Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải” với mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 48/2011).
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Đối với trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tiếp nhận thông tin ca nô bị nạn và triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Về nguyên tắc, khi tiếp nhận thông tin trình báo về tai nạn, cơ quan đó phải tổ chức thu nhận, xử lý thông tin báo nạn kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu; Phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển tham gia cứu nạn khi có tình huống… (Điều 3 Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển).
Cần làm rõ những cá nhân có trách nhiệm trong việc cứu nạn đã làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình hay chưa. Nếu có vi phạm, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm Hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm Hình sự với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 BLHS), gây hậu quả dặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Đáng chú ý, có thông tin cho thấy có hai chiếc ca nô xuất hiện gần khu vực ca nô bị nạn nhưng đã không ứng cứu. Ở đây, cần làm rõ đó là hai chiếc ca nô nào; tại thời điểm, hoàn cảnh đó, với khoảng cách 500m, họ có nhìn thấy ca nô bị nạn hay không (rõ ràng những người bị nạn nhìn thấy hai ca nô này nhưng ngược lại những người trên hai ca nô này đều không nhìn thấy ca nô bị nạn thì có vẻ không hợp lý!).
Nếu thuyền trưởng và những cá nhân trên hai ca nô đó nhìn thấy ca nô bị nạn có điều kiện cứu giúp mà không cứu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 102 BLHS, hình phạt cao nhất là 5 năm tù).
Liên quan đến vụ tai nạn này, cần phải điều tra làm rõ một vấn đề nữa là tiêu chuẩn, điều kiện của thuyền trưởng Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương; họ có đảm bảo, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định (nếu có) hay không. Nếu không, người giao ca nô cho họ điều khiển, gây ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này có thể bị truy cứu về tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”.
Ngoài ra, mặc dù nỗi đau của thân nhân người bị nạn không thể nào bù đắp được nhưng theo quy định của pháp luật, những người vi phạm, tùy theo mức độ lỗi còn có trách nhiệm bồi thường dân sự cho thân nhân người bị nạn, bao gồm thiệt hại vật chất và tinh thần – chuyên viên Kiều Anh Vũ phân tích.
Sau thảm họa ca nô bị chìm, cơ quan chức năng TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định địa điểm ca nô bị chìm chỉ cách mũi huyện Cần Giờ, TP.HCM khoảng 10 km, mũi Vũng Tàu khoảng 20 km. Đại diện một công ty chuyên đóng mới ca nô khẳng định, với quãng đường này, một chiếc ca nô cứu hộ, dù xuất phát ở mũi Cần Giờ hay Vũng Tàu, chỉ mất từ 10 - 20 phút; với tàu cá của ngư dân cũng chỉ mất 40 - 50 phút. Vậy vì sao địa điểm gặp nạn chỉ cách bờ khoảng như vậy mà các nạn nhân phải vật lộn trên biển suốt nhiều giờ đồng hồ, để dẫn đến hậu quả quá thảm khốc?. |