Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) cần tập trung vào những vấn đề bất cập nhất như: các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, điều kiện tham gia hoạt động thủy nội địa, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn GTĐTNĐ và phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước…
Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong tổng số 103 điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐT NĐ) năm 2004, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều và bổ sung 01 Chương mới với 3 điều.
Điểm đáng lưu ý là dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 theo hướng áp dụng một số quy định có liên quan của Luật đối với cả hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa. Giải thích lí do sửa đổi như trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Luật GTĐTNĐ năm 2004 chỉ điều chỉnh đối với hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi “luồng” (vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn). Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa (như đi lại, quay trở, neo đậu phương tiện…) không chỉ diễn ra trên luồng, đặc biệt là phương tiện nhỏ hoạt động diễn ra khá phổ biến ở ngoài phạm vi luồng như: khi đi trên sông rộng hoặc vào mùa lũ, phương tiện đều đi ra ngoài luồng phía giáp bờ để tránh sóng gió…Như vậy, thực tế hiện nay, hoạt động giao thông vẫn diễn ra ở vùng nước này nhưng Luật GTĐTNĐ năm 2004 chưa điều chỉnh.
Mặt khác, theo quy định của Luật GTĐTNĐ năm 2004 thì đường thuỷ nội địa là luồng trên sông, kênh rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh được tổ chức, quản lý. Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thuỷ) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.
“Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.” – Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều nhất trí cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này là cần thiết. Tuy nhiên, đồng tình với cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đề nghị phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật cần được rà soát kỹ hơn, tập trung vào những vấn đề bất cập nhất liên quan đến hoạt động GTĐTNĐ như quy hoạch và quản lý kết cấu hạ tầng, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, điều kiện tham gia hoạt động thủy nội địa, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn GTĐTNĐ và phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GTĐTNĐ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn trước việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật trong khi hiện nay mới tổ chức, quản lý được 45% số km có hoạt động giao thông đường thuỷ.
Quan tâm tới vấn đề tai nạn đường thủy, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhắc lại con số được Bộ Giao thông vận tải thống kê: Tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa từ năm 2005 đến năm 2012 xảy ra 1.611 vụ, làm chết 1.263 người, làm bị thương 187 người, chìm đắm 1.459 phương tiện. Trong khi thống kê số liệu tai nạn trong 4 năm khi chưa có Luật, từ năm 2001 đến năm 2004, tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa đã xảy ra 1.418 vụ, làm chết 1.006 người. Từ con số trên Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng so với những năm trước khi Luật GTĐTNĐ năm 2004 có hiệu lực thi hành, số vụ tai nạn và thiệt hại do tai nạn gây ra chưa giảm đáng kể.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị luật sửa đổi, bổ sung phải làm rõ được những nguyên nhân hạn chế khi thực hiện Luật GTĐTNĐ năm 2004, đặc biệt là nguyên nhân của tai nạn GTĐTNĐ, trách nhiệm khi xảy ra tai nạn.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh điều quan trọng nhất của luật sửa đổi, bổ sung là phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế sau 8 năm thực hiện Luật GTĐTNĐ năm 2004 nhưng luật sửa đổi, bổ sung chưa làm được nhiệm vụ này.
Nhắc lại vụ chìm tàu ở khu vực biển Cần Giờ mới đây, ông đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện GTĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách. Đồng thời làm rõ chế tài xử phạt, quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Không thể thả nổi đăng kiểm phương tiện
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 24 của Luật GTĐTNĐ năm 2004, phương tiện có trọng tải từ 01 tấn trở lên, phương tiện có động cơ hoặc phương tiện có sức chở từ 5 người trở lên phải đăng ký và một phần trong số đó phải đăng kiểm. Trên thực tế, phương tiện không động cơ có trọng tải đến 15 tấn hoặc công suất máy đến 15 sức ngựa, phương tiện không động cơ chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy dưới 5 sức ngựa chở dưới 5 người chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, tham gia hoạt động trong nội đồng ở cự ly ngắn và theo thời vụ. Loại phương tiện này do nhân dân tự đóng nên không có hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký và thực tế nhiều năm qua loại phương tiện này thực hiện đăng ký đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng dưới 10%.
Theo Chính phủ, nếu quy định việc quản lý loại phương tiện nêu trên như quản lý loại phương tiện lớn phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm là chưa phù hợp thực tế. Do đó, để Luật có tính khả thi, Chính phủ đề nghị các phương tiện này khi hoạt động trên đường thủy nội địa chỉ cần bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tổ chức quản lý phương tiện thuộc diện được miễn đăng ký.
Tuy nhiên, đề nghị trên vấp phải sự phải đối của nhiều thành viên UBTVQH. Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng thả nổi phương tiện như vậy thì khó quản lý. Theo ông “thà để người dân nhận thức rồi tự giác đi đăng ký còn hơn loại bỏ như đề nghị của Chính phủ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng “có thể quy định theo hướng đơn giản các thủ tục hành chính đăng kiểm để thuận tiện hơn cho dân chứ không nên miễn đăng ký, đăng kiểm”./.