Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư giỏi để phục vụ hội nhập quốc tế ở nước ta còn ít. Hiện dự thảo Đề án thành lập Câu lạc bộ luật sư hội nhập quốc tế đang được các cơ quan hoàn thiện để trình Chính phủ, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu là hỗ trợ Chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan trong các công việc tư vấn pháp lý liên quan đến hội nhập quốc tế, tư vấn, giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Thiếu luật sư giỏi, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế
Thực tiễn hiện nay, ở nước ta mới có khoảng 10 tổ chức và vài chục luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết. Chi phí cho việc thuê công ty luật nước ngoài rất cao, lại không chủ động được về thời gian và nắm bắt được diễn biến giải quyết tranh chấp.
Mặc dù trong thời gian qua, có nhiều luật sư giàu kinh nghiệm, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực thương mại quốc tế đã tự hình thành các nhóm luật sư để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, tư vấn cho Chính phủ về một số vụ việc khi được yêu cầu. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các nhóm luật sư này còn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, chưa tập hợp được đông đảo đội ngũ luật sư giỏi giúp Chính phủ trong vụ việc phức tạp liên quan đến hội nhập quốc tế. Chính phủ và cơ quan nhà nước còn thiếu địa chỉ và kênh thông tin để huy động luật sư giỏi tham gia giải quyết các vụ việc tư vấn cho Chính phủ. Đáng chú ý, khi phát sinh một số vấn đề vướng mắc đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật thì các nhóm luật sư nêu trên không có tư cách đại diện để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước trả lời.
Chính vì vậy, theo Bộ Tư pháp, một trong những giải pháp để giải quyết hạn chế nêu trên là phải sớm thành lập Câu lạc bộ luật sư hội nhập quốc tế (Câu lạc bộ) hoạt động trên phạm vi toàn quốc để các luật sư, chuyên gia pháp luật hàng đầu của Việt Nam chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế có thể giao lưu, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, hình thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa Chính phủ với các luật sư giỏi, có uy tín để huy động họ tham gia giúp Chính phủ tư vấn các dự án công, tham gia tư vấn và giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Tại cuộc họp của Bộ Tư pháp với các cơ quan liên quan về Đề án thành lập Câu lạc bộ luật sư hội nhập quốc tế sáng 7/8 tại Hà Nội, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng việc Câu lạc bộ ra đời hy vọng sẽ trở thành điểm sáng nâng cao thương hiệu của luật sư Việt Nam. Đồng thời, cũng cần phải nhìn nhận đây là cú hích của Chính phủ dành cho giới luật sư trong mối quan hệ Chính phủ cần luật sư hỗ trợ chứ không phải là cách tiếp cận hành chính đơn thuần. Bà Yến dẫn chứng Vụ kiện cá ba sa – phải mời các các luật sư nước ngoài - cũng là điều khiến các cơ quan quản lý rất trăn trở.
Cần đề cao tính độc lập
Về mặt nguyên tắc, Câu lạc bộ này là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của một số luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thì phải do chính các luật sư tự nguyện thành lập. Tuy nhiên, do vị trí, vai trò quan trọng của Câu lạc bộ là phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước nên Nhà nước cần thiết phải là "bà đỡ" để tổ chức này hình thành và phát triển theo định hướng của Nhà nước.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về tính độc lập khi có quá nhiều cơ quan tham gia vào (chẳng hạn quá nhiều ý kiến trong một vấn đề). Bản thân trong Đề án cũng không quy định Câu lạc bộ trực thuộc Liên đoàn Luật sư.
Đề cập đến những yếu tố xung đột, các ý kiến này cho rằng trong trường hợp luật sư vừa là thành viên Câu lạc bộ, lại vừa được các công ty – người kiện Chính phủ thuê thì sẽ giải quyết như thế nào. Đại diện cho ai, Chính phủ hay các công ty Luật nước ngoài?
Theo đại diện Văn phòng chính phủ, để có được tính sáng tạo, cần có tính độc lập. Cũng theo vị đại diện này, việc quy định thành lập câu lạc bộ phải đảm bảo yêu cầu thu hút được “đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật hàng đầu” của Việt Nam thì còn trừu tượng, khó đánh giá như thế nào là “hàng đầu”, vì vậy vị đại diện này đề nghị Tổ tư vấn xây dựng Đề án nghiên cứu cân nhắc, mở rộng đối tượng cho thành phần tham gia đông đảo hơn.
Luật sư Đỗ Trọng Hải, đại diện Công ty Luật TNHH Bizlink lại tỏ ra lo ngại bởi tính chuyên sâu của tổ chức này dẫn đến việc thành viên không thể nhiều như Liên đoàn Luật sư hay Hội Luật gia. Vì vậy, khả năng duy trì hoạt động ổn định về lâu dài đối với cơ sở, bộ máy, kinh phí của câu lạc bộ cũng không phải dễ dàng.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho hay, việc thành lập Câu lạc bộ không khó nhưng về lâu dài hoạt động của Câu lạc bộ với tính chất “vào – ra” lỏng lẻo, liệu có sức hút để duy trì trong điều kiện hiện nay của Việt Nam hay không?.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, không nên so sánh Câu lạc bộ với Liên đoàn Luật sư, vì Liên đoàn Luật sư được quy định bởi Luật và là tổ chức xã hội nghề nghiệp, bao trùm giới luật sư, nó là thể chế thực hiện sự tự quản trong giới luật sư. Do đó, nên xác định Câu lạc bộ là một hình thức, phương thức, “sân chơi” của giới luật sư và những người tinh thông về luật pháp. Không thể xem là tổ chức ngang bằng, cấp dưới hay là định chế bắt buộc nằm trong Liên đoàn Luật sư. Chính phủ cần có sự quan tâm nhất định, còn Liên đoàn Luật sư cũng nên hỗ trợ Câu lạc bộ hoạt động.