Xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép

08:27, 26/08/2013

Điều kiện kinh tế khó khăn, mức sống của dân địa phương thấp, thiếu việc làm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên…là những nguyên nhân khiến tình trạng sai phạm trong khai thác khoáng sản đang diễn ra tràn lan, gây suy kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường.  

Nhiều địa phương vi phạm

 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho thấy, qua thanh tra gần 1.000 hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản của 57/63 tỉnh, thành trên cả nước, nhiều địa phương đã sai phạm lớn trong việc cấp phép,dẫn đến cấp phép tràn lan trong khai thác khoáng sản.         

 

Theo đó, từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 30/6/2013, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã thẩm định và cấp 90 giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản. Trong đó có 49 giấy phép thăm dò khoáng sản và 41 giấy phép khai thác khoáng sản. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản chủ yếu do UBND cấp tỉnh thực hiện.

 

Theo thống kê, từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2012, có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp 957 giấy phép, gồm: 275 giấy phép thăm dò khoáng sản, 682 giấy phép khai thác khoáng sản. Có 06 tỉnh, thành phố không cấp phép là: Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số tỉnh cấp giấy phép với số lượng lớn như: Bình Định (40); Khánh Hòa (40), Hà Tĩnh (47), Quảng Bình (48), Lâm Đồng (51), Vĩnh Long (77)...

 

Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại 39 tỉnh, thành phố (các giấy phép được cấp từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2012). Qua kiểm tra, rà soát 957 hồ sơ cấp phép, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, có 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; 37 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 52 giấy phép cấp khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò, khai thác khoáng sản; 128 giấy phép thăm dò được cấp không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 196 giấy phép được cấp khi hồ sơ không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản được phê duyệt; 345 giấy phép không có giấy chứng nhận đầu tư dự án; 29 giấy phép không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và 196 giấy phép chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định.

 

Về hoạt động khai thác vàng, cát trái phép, báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho thấy, vàng bị khai thác trái phép nhiều nhất, diễn ra phổ biến tại một số địa phương: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai. Cát sỏi lòng sông cũng bị khai thác trái phép tại 31/ 63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại khoáng sản cũng bị khai thác trái phép như mangan (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái), quặng sắt (Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai); quặng titan (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), quặng thiếc (Lâm Đồng, Nghệ An), v.v…Các vụ khai thác trái phép đang diễn ra với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau (đào ao, trồng rừng, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng v.v...).

 

Sẽ xử phạt các địa phương buông lỏng quản lý

 

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Lại Hồng Thanh – Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, hiện nay trên cả nước có trên 5000 điểm khai thác khoáng sản, trong đó có trên 500 điểm do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép. Do khoáng sản ở Việt Nam phân tán, nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, mức xử phạt hiện nay rất nhẹ nên không đủ sức răn đe.

 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng cho rằng: Hiện nay, lực lượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, thậm chí đã gây thiệt hại tính mạng của cán bộ quản lý khoáng sản khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt, tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, mức sống của dân địa phương thấp, thiếu việc làm nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép quy mô nhỏ khá phổ biến. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên, chưa sâu rộng; nhận thức của địa phương và người dân trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn hạn chế…

 

Trước những sai phạm trong hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường xử lí nghiêm các sai phạm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-12-2013. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã yêu cầu các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Định, Đăk Nông, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa thu hồi các giấy phép đã cấp không đúng quy định; xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong cấp phép hoạt động khoáng sản; giải quyết các thiệt hại cho chủ đầu tư do việc thu hồi giấy phép. Bộ cũng đã yêu cầu các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ, Đăk Lăk, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Tây Ninh, Vĩnh Long và thành phố Hải Phòng có văn bản tạm đình chỉ khai thác đối với các giấy phép đã cấp tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng nhấn mạnh, hiện Bộ đã trực tiếp làm việc với các tỉnh và chỉ đạo xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Theo đó, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; gắn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với người đứng đầu các cấp chính quyền tại địa phương; đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Qua đó, Bộ cũng đề nghị sẽ xử phạt nặng các địa phương trong buông lỏng quản lý hoạt động này.