9 nhóm đối tượng phải minh bạch tài sản ở nước ngoài

09:23, 06/09/2013

Kể từ hôm nay (5/9), những quy định mới về minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Một trong những điểm mới trong quy định lần này là người có nghĩa vụ phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Theo quy định tại Nghị định, có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND; Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn…. cũng là đối tượng phải minh bạch tài sản.

 

Theo Nghị định, tài sản, thu nhập phải kê khai gồm: Các loại nhà, công trình xây dựng; các quyền sử dụng đất; Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên;  tài sản ở nước ngoài; ô tô, mô tô, xe máy, tàu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên….tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành Bản kê khai. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12 hằng năm.

 

Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết: Đối với việc công khai bản kê khai, trước đây việc này đã được quy định tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP, tuy nhiên quá trình thực hiện còn có nhiều lúng túng, lần này Nghị định quy định rõ hơn về thủ tục, phạm vi công khai sát với thực tế các cơ quan, đơn vị thực hiện hơn do đó tính khả thi được nâng cao hơn. Điểm mới hoàn toàn và nổi bật trong quy định lần này là người có nghĩa vụ phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Quy định mới này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể xem xét đến nguồn gốc hình thành tài sản của người có nghĩa vụ kê khai kế từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (1/2/2013).

 

Một điểm nữa cũng đáng chú ý là căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân đã được mở rộng hơn như cho phép người có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản nếu có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý, hay cho phép các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát có thể yêu cầu xác minh nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra xác định người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng chứ không phải chờ đến kết luận người đó có hành vi tham nhũng mới tiến hành xác minh.